Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đây là kết luận của đề tài nghiên cứu về xác định hàm lượng, nguồn gốc của thạch tín (arsenic) trong nguồn nước ngầm khu vực TP HCM vừa được một hội đồng khoa học do Sở KH-CN TP HCM lập nghiệm thu. Đề tài do hai kỹ sư Nguyễn Kiên Chính (Trung tâm Hạt nhân TP HCM) và Tống Viết Thành (Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM) thực hiện.
Chất thải là một trong những nguyên nhân làm nước ngầm nhiễm thạch tín. Ảnh: Đức Long.
Thạch tín là một trong những chất có khả năng gây ung thư và nằm trong 20 chất độc nhất. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy 99 mẫu thử tại các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ (những nơi được nhóm tác giả xác định sử dụng nhiều nước ngầm phục vụ sinh hoạt), khu vực gần sông Sài Gòn, nước ngầm gần bãi rác Phước Hiệp... để tiến hành phân tích.
Kết quả có 9 mẫu thạch tín vượt chuẩn cho phép, trong đó có một mẫu vượt gấp 10 lần. Đặt biệt, mẫu nước ngầm gần bãi rác có hàm lượng thạch tín cao.
Dựa vào kết quả phân tích trên, nhóm nghiên cứu kết luận, ô nhiễm nước ngầm do thạch tín ở TP HCM chưa phải là vấn đề nghiêm trọng. Nguồn gốc ô nhiễm thạch tín cũng đã được xác định là do kết cấu trầm tích của địa chất, chứ chưa phải ô nhiễm do con người gây ra.
Trong phần phản biện, một số thành viên hội đồng nghiệm thu cho rằng việc lấy mẫu như nhóm nghiên cứu thực hiện là chưa đầy đủ. Nhiều khu vực có sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt như quận Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú… đã không được lấy mẫu.
Nhóm nghiên cứu cũng không giải thích rõ nguyên nhân ở một số nơi thạch tín vượt quá giới hạn cho phép 50 – 10mg/l là do đâu. Mặc dù vậy, Hội đồng nghiệm thu cũng nhất trí với kết quả đạt loại “Khá” đối với đề tài nghiên cứu nói trên.
Đề tài đã được Sở KH-CN TP HCM cấp kinh phí gần 200 triệu đồng để thực hiện từ tháng 4/2006 đến tháng 10/2007 và trễ hạn nghiệm thu đến gần 3 năm.