Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

TP.HCM: KCN Lê Minh Xuân xả thải chui

(09:10:51 AM 07/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Gần 10 năm xả thải không có giấy phép vào nguồn nước thủy lợi nhưng KCN Lê Minh Xuân chưa bị cơ quan chức năng nào xử lý

 

Theo ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM (gọi tắt là Công ty Thủy lợi), chất lượng nước hệ thống kênh thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh vẫn đang bị ảnh hưởng bởi nước thải từ KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh -  TPHCM.

Dòng nước bốc mùi hôi thối

Kết quả lấy mẫu nước tại 4 điểm trên các kênh xung quanh KCN Lê Minh Xuân 5 tháng đầu năm 2012 cho thấy các chỉ số COD, BOD5,  fecal colifoms…  đều vượt xa giới hạn cho phép theo QCVN 08:2008 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt) và QCVN 39:2011 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu).
Ví dụ, mẫu nước ngày 8-2 có hàm lượng sắt vượt chỉ tiêu từ 2 - 4 lần. Mẫu nước ngày 9-3, hàm lượng sắt vượt chỉ tiêu từ 1,2 - 4 lần,  hàm lượng clo vượt từ 1,1- 2 lần.
Mẫu nước ngày 11-4, hàm lượng sắt vượt từ 1,2 - 1,5 lần. Đáng chú ý, hàm lượng fecal colifoms cả 5 tháng đều cao ngất ngưởng, dao động trong khoảng 2.000 - 4.000 MPN/100 ml (trong khi hàm lượng cho phép chỉ 200 MPN/100 ml). Kéo theo hàm lượng DO là lượng ôxy hòa tan trong nước cần thiết cho các sinh vật rất thấp hoặc chỉ xấp xỉ mức cho phép.
Nước thải sau xử lý của KCN Lê Minh Xuân khiến các đại biểu HĐND TPHCM không khỏi sửng sốt
 
Ông Đam khẳng định, bằng mắt thường bất cứ người dân nào cũng nhận ra nguồn nước đang bị ô nhiễm vì dòng nước đen sì và bốc mùi hôi thối. Đời sống của người dân 3 xã Tân Nhựt, Tân Kiên và Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) đang bị ảnh hướng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ dân sống quanh KCN phản ánh ao nuôi cá của họ thường xảy ra hiện tượng cá chết vì lấy phải nguồn nước bẩn.
“Hằng tháng công ty đều tiến hành kiểm tra, gặp những nguồn nước bất thường sẽ lấy mẫu phân tích và báo cáo đến các cơ quan chức năng, địa phương để phối hợp giải quyết. Đối với KCN Lê Minh Xuân, việc báo cáo này tiến hành thường xuyên, gần như năm nào cũng có nhưng chất lượng nước thải từ KCN này dường như vẫn chưa được cải thiện!” - ông Đam ngao ngán.

Không cho vẫn xả

Ông Phạm Thanh Trực, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), cho biết KCN Lê Minh Xuân đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 4.000 m3/ngày đêm, công suất xử lý thực tế trung bình 3.500 m3/ngày đêm, 100% các doanh nghiệp trong KCN đã đấu nối vào hệ thống này.
Nước thải đã qua xử lý được xả vào hệ thống thủy lợi. Dù vậy, KCN này vẫn chưa được cấp phép xả thải. Theo phân cấp, TP chỉ cấp phép xả thải đối với lưu lượng dưới 1.000 m3/ngày đêm, trong khi KCN Lê Minh Xuân có lưu lượng xả thải 4.000 m3/ngày đêm nên thuộc thẩm quyền cấp phép của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT).
Hepza không có chức năng xử phạt nên chỉ có thể gửi văn bản nhắc nhở, đốc thúc. Ông Trực cho rằng vấn đề chất lượng nguồn nước sau xử lý mới là quan trọng và kết quả lấy mẫu phân tích định kỳ mà Hepza tiến hành đều đạt các chỉ tiêu cho phép. Dẫu vậy, các đợt kiểm tra, lấy mẫu định kỳ của Hepza đều thông báo trước cho quản lý của mỗi KCN, cho nên theo ông Trực, cần có hệ thống quan trắc tự động để có kết quả chính xác và bảo đảm việc doanh nghiệp vận hành hệ thống xử lý nước thải thường xuyên.
Theo ông Đam, năm 2008, KCN Lê Minh Xuân đã gửi hồ sơ xin cấp phép xả thải lên Tổng cục Thủy lợi. Với chức năng của đơn vị quản lý nguồn nước, Công ty Thủy lợi đã có ý kiến về vấn đề này. “Chúng tôi đã nêu rõ: Cơ sở để xem xét cấp phép là KCN phải cải tạo và vận hành hệ thống xử lý một cách đầy đủ, thường xuyên.
Tuy nhiên, đã hơn 3 năm nay chất lượng nước từ KCN đổ ra vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Tôi  nghĩ đó là lý do vì sao KCN này chưa được cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi. Nhưng hình như điều đó với KCN Lê Minh Xuân không quan trọng vì Tổng cục Thủy lợi có cấp phép hay không, đơn vị này vẫn đổ ra hệ thống thủy lợi như bình thường, có đơn vị nào xử phạt đâu!” - ông Đam bức xúc.
Hiện nay, nước thải từ KCN Lê Minh Xuân thông qua kênh C12, C16, C18 đổ ra kênh B, kênh C của hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh. 
 

Trong các cuộc tiếp xúc với HĐND TPHCM, hầu hết cử tri huyện Bình Chánh đều tỏ ra bất bình về tình trạng ô nhiễm từ KCN Lê Minh Xuân. Không chỉ người dân huyện Bình Chánh mà ngay đến cơ quan quản lý cũng bức xúc trước tình trạng nước thải của KCN Lê Minh Xuân.

 
(Bài và ảnh: THU SƯƠNG/NLĐ)