Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khai quật và bảo tồn bãi đá chế tác xây dựng Thành nhà Hồ

(17:05:06 PM 06/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Thành Nhà Hồ - một thành trì kiên cố, kỳ vĩ, một công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá, độc nhất vô nhị đã làm các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước kỳ công tìm hiểu, đặt câu hỏi: Đá xây thành được lấy ở đâu? Câu hỏi ấy đã được trả lời sau gần hai tháng Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới thông qua việc phát hiện ra công trường khai thác đá cổ mà nhà Hồ đã sử dụng khai thác và chế tác đá để xây thành tại khu vực dãy núi An Tôn, xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc), cách Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ 2 km (theo đường chim bay) về phía Tây - Nam.


Khảo cổ đánh giá sự tương đồng của những phiến đá tìm thấy tại núi An Tôn, xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) với đá xây dựng Thành Nhà Hồ.

 

TS Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: Không còn nghi ngờ gì nữa, núi An Tôn là công trường đá chính xây Thành Nhà Hồ, kết quả khai quật 300m2 tại đây cho thấy rõ điều này. Qua công tác nghiên cứu, khảo sát vùng đệm cảnh quan của Di sản Thành Nhà Hồ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phát hiện công trường khai thác đá cổ, ở núi Phù Lưu (thuộc hệ thống dãy núi An Tôn), thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên.

 

Đây là dãy núi đá vôi, được chia thành những vỉa, theo kiểu đoạn tầng từng lớp, từng lớp rất thuận lợi cho việc bóc tách. 21 phiến đá lớn (các phiến đá này do những phần lỗi kỹ thuật như vỡ cạnh, góc nên đã bị bỏ lại và không sử dụng) được phân bố trên một phạm vi rất rộng, chạy dọc chân và sườn Đông - Nam của dãy núi Phù Lưu, bắt đầu từ kênh Nam (kênh tưới tiêu), đến tận đầu làng Phù Lưu, song song với con đường chống bão lụt của làng.

 

Qua khảo sát ở bề mặt sườn và chân núi, chúng tôi còn  thấy khá nhiều mảnh dăm đá, ken dày đặc lẫn với đất, chìm sâu trong lòng đất, tạo thành dải dài suốt chân của sườn phía Nam núi An Tôn. Địa tầng có lớp đá dăm rất dày, thậm chí có nơi dày tới 1,4 mét. Theo sử sách, thành được xây trong 3 tháng. Chỉ với thời gian ngắn như vậy mà đã tạo được một lớp đá dăm dày đến thế càng chứng tỏ lượng đá khai thác tại đây vô cùng nhiều. TS Đỗ Quang Trọng nhận định: An Tôn nhất định phải là công trường khai thác đá chính để xây Thành Nhà Hồ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những viên đá được chế tác hoàn chỉnh không rõ vì lý do nào đó, chưa kịp vận chuyển đi.

 

Tại đây hiện còn rất nhiều phiến đá lớn được bóc tách và đưa xuống chân núi, với kích thước, hình dạng khác nhau, kỹ thuật tương đồng với các phiến đá tại Thành Nhà Hồ, trong đó có nhiều viên đã được ghè, đẽo hết sức công phu, chế tác từ 3 đến 4 mặt phẳng, dấu vết đục đá vẫn còn khá rõ. Như vậy, công trường An Tôn không chỉ khai thác đá nguyên liệu mà còn là công trường chế tác đá hoàn chỉnh trước khi chuyển về xây Thành Nhà Hồ. Việc này khiến trọng lượng của khối đá giảm nhiều, dễ vận chuyển hơn.

 

Mặt khác, các nhà khảo cổ học tham khảo ý kiến của chính những thợ đá hiện tại ở An Tôn, hậu duệ của các thợ đá xây dựng nên kiệt tác kiến trúc thành đá nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao, thì chất lượng đá ở núi An Tôn  tốt hơn so với đá các công trường lân cận. Đá ở đây có độ dẻo, rất thuận lợi cho việc đục đẽo. Trữ lượng đá dẻo khá lớn. Dãy núi An Tôn có hai dải. Dải phía Bắc được gọi là An Tôn hạ, dài khoảng 1 km. Dải đối diện là An Tôn thượng chất lượng kém hơn, đá ở đây giòn, dễ gãy, rất khó cho việc chế tác. Chính vì vậy, người xưa đã chọn núi An Tôn hạ là công trường khai thác đá để xây Thành Nhà Hồ.

 

Trao đổi về vấn đề hướng bảo tồn bãi đá cổ  trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên,  Giám đốc  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết:  Kết quả bước đầu của việc khảo sát và phát hiện ra công trường khai thác đá cổ tại khu vực núi An Tôn có một vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc mở ra hướng nghiên cứu về nơi khai thác, kỹ thuật khai thác, vận chuyển đá lớn xây dựng Thành Nhà Hồ, nó có ý nghĩa lớn về mặt nhận thức khoa học, đặc biệt quan trọng hơn đối với công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ. Nhằm nghiên cứu, đánh giá giá trị, đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn và bổ sung tư liệu phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, ngày 10-10-2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3303/QĐ-UBND về phê duyệt Dự án “Khai quật công trường khai thác đá cổ núi An Tôn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc”. 

 

Dự án khai quật công trường khai thác đá cổ Thành Nhà Hồ sẽ thực hiện trong vòng 3 năm do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ làm chủ đầu tư sẽ tiến hành khai quật trên diện tích 300m2, với tổng mức đầu tư dự án là 523 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách của địa phương. Quy trình khai quật được tiến hành bằng phương pháp thủ công, đào từng lớp đất dày khoảng 20 cm theo diễn biến của từng lớp văn hóa, từ đó làm rõ vị trí di tích, di vật và thu lượm, xử lý bảo quản di tích, di vật theo nguyên trạng, sau đó sẽ hoàn trả mặt bằng.

 

Từ các tư liệu khai quật được sẽ tiếp tục tiến hành chỉnh lý tư liệu, lập hồ sơ khoa học, đề xuất các giải pháp trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ, đồng thời sẽ là căn cứ khoa học đáng tin cậy bổ sung vào hồ sơ khoa học Di sản Thành Nhà Hồ báo cáo mở rộng vùng đề cử như cam kết của Việt Nam đối với UNESCO. Đi đôi với tiếp tục khai quật bãi đá cổ, một nội dung không kém phần quan trọng là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng của Di sản Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận trong vùng đề cử, trong đó có bãi đá cổ, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân để  cùng tham gia quản lý và bảo tồn tốt hơn. Mặt khác, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về Di tích Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, cảnh quan, để Di sản Thành Nhà Hồ ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế.

(Theo Thanh Hóa Online)