Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trẻ em vùng cao đang cần nguồn nước sạch
Công trình nước sinh hoạt xóm Bó Khoang, thị trấn Hoà Thuận được người dân quản lý và sử dụng rất tốt, phát huy hiệu quả cho dân. Công trình được xây dựng từ năm 2005, do huyện làm chủ đầu tư. Khi nhận công trình, người dân trong xóm đã họp và thống nhất phương pháp quản lý bằng cách lắp đặt đồng hồ đo nước, mỗi tháng tuỳ theo lượng nước sinh hoạt của gia đình để đóng góp tiền vào quỹ. Quỹ này được dùng để trả công cho người chuyên trách quản lý, bảo vệ công trình nước và để mua sắm các thiết bị hỏng hóc phải thay thế. Nhờ được tổ chức chặt chẽ, nhận thức được quyền lợi của mình nên người dân rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình. Anh Dương Văn Hải, xóm Bó Khoang cho biết, Bó Khoang có 30 hộ dân, mỗi hộ đều được dẫn nước về tận nhà. Mỗi tháng, gia đình anh dùng nước thoải mái, nước trong, sạch mà chỉ cần đóng góp mỗi tháng 5 - 6 nghìn đồng, tháng nhiều lắm cũng chỉ dùng đến 10 nghìn. Mỗi khi vòi nước hay đường ống bị hỏng, người phụ trách công trình đều đến giúp gia đình sửa chữa.
Tuy nhiên, không phải nơi nào việc quản lý, sử dụng công trình nước cũng được tổ chức quy củ, hiệu quả như xóm Bó Khoang. Nhiều công trình nước của huyện Phục Hoà hiện đang bị tê liệt, không phát huy hiệu quả bới ý thức kém của người dân. Công trình nước xóm Pò Hẩu, Nà Quan, Tục Mỹ, Nà Riềng của xã Mỹ Hưng là một điển hình. Công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước khá quy mô và hoàn thiện. Sau khi bàn giao công trình, chính quyền địa phương đã họp dân, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng và bảo vệ công trình nước, nhưng người dân không chấp hành quy chế, tự ý sử dụng vô tội vạ theo ý mình. Vậy là chỉ sau một thời gian hoạt động, hệ thống van nước của công trình đã bị hỏng nhiều chỗ mà không ai chịu đóng góp tiền để mua van mới. Nước đầu nguồn chảy tràn lênh láng, phía cuối nguồn không có nước dùng. Thậm chí người dân phía đầu nguồn còn phá hỏng van, xả nước vào ruộng nhà mình, mặc cho người dân phía cuối nguồn lao đao vì thiếu nước.
Theo phép "tính nhẩm" sơ sơ của ông Đinh Văn Tần, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phục Hoà, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 12 công trình nước không phát huy hiệu quả. Số tiền lãng phí từ các công trình này lên tới hàng chục tỷ đồng.
Cũng theo ông Tần có ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Một là lỗi của các nhà khảo sát, thiết kế không hợp lý, công trình được đặt ở chỗ ít nước nên không dẫn được nước về. Hai là do các nhà thầu thi công không tốt nên công trình nhanh hỏng. Ba là do trình độ quản lý, ý thức bảo vệ của người dân quá kém dẫn đến việc công trình xây xong chỉ sử dụng một thới gian ngắn đã hư hỏng.
Chỉ đi từ trung tâm huyện Phục Hòa, đi qua các xã Cách Linh, Đại sơn, chúng tôi đẫ thấy gần chục công trình nước bỏ hoang, nằm phơi mưa nắng mặc cho cỏ dại, rêu phong mọc um tùm, cóc nhái đẻ trứng trong bể. Riêng xã Đại Sơn đã có 5 công trình nước bị hỏng. Đó là công trình của các xóm Cốc Phường, Thang Nà, Bản Chu, Bản Chang, Bản Mới.
Ông Lục Minh Tẩy, người dân xóm Thang Nà, xã Đại Sơn cho biết, năm 2005, các xóm Thang Nà, Khưa Nính, Lũng Lầu, Cốc Phường được Nhà nước đầu tư làm một công trình nước sinh hoạt lớn để cấp nước. Tổng cộng cả 4 xóm có gần 150 hộ hưởng lợi từ công trình này. Ngày khánh thành công trình, người dân tưng bừng vui như tết. Thế nhưng, cái “ngày tết” ấy cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Chỉ vài tháng sau, người ta đã không còn thấy nước về. Sau nhiều năm dài cổ đợi khắc phục công trình mà chẳng thấy, người dân quá mỏi mòn đành vay mượn tiền thuê thợ tự khoan giếng nước.
Ông Triệu Văn Kền, xóm Bản Chu, Đại Sơn cũng bày tỏ bức xúc rằng công trình nước của xóm mình chẳng dùng được bao lâu. Nguyên nhân thì do cả đơn vị thiết kế, cả đơn vị thi công và cả người dân. Đơn vị thiết kế lỗ thoát nước quá nhỏ, nên người dân không đủ nước dùng. Họ tự ý đục cho lỗ to ra để nước chảy nhiều hơn, và cuối cùng là công trình bị hỏng. Còn đơn vị thi công thì có chỗ cũng không làm đúng theo thiết thế. Theo thiết kế phải làm ống chìm (chôn đường ống dẫn nước dưới đất), nhưng đơn vị thi công không làm ống chìm nên trẻ con trèo leo nghịch ngợm là hỏng đường ống. Và đến nay, công trình gần như đã bị bỏ hoang và rơi vào quên lãng, người dân đều phải tự bỏ tiền ra khoan giếng mới có nước mà dùng.
Về phương hướng khắc khắc phục những công trình không phát huy hiệu quả, ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các xóm xây dựng quy chế quản lý xử dụng công trình nước, thành lập các tổ quản lý, học tập mô hình xóm Bó Khoang. Các xóm gần thị trấn sẽ được bàn giao cho Công ty cấp nước của huyện quản lý, thu phí xử dụng nước. Đối với các công trình lỗi thiết kế khảo sát, huyện sẽ dùng kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình để tìm cách khắc phục. Mặt khác vận động nhân dân đóng góp kinh phí theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng thời tăng cương tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ công trình nước cho người dân, kiên quyết xử lý các hộ dân thiếu ý thức.
Phục Hòa chỉ là một trong nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều công trình nước không phát huy hiệu quả. Qua thực tế ở Phục Hòa, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh cần nghiên cứu, tìm ra giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, tránh tình trạng Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây công trình nước mà người dân vẫn khát.