Ngày 4/6, trả lời PV, TS Vũ Thế Khanh - Tổng GĐ Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật UIA, cho biết sau khi nhận được yêu cầu của gia đình cũng như trách nhiệm của cơ quan nghiên cứu tìm hiểu tiềm năng con người, ông Khanh và các đồng sự UIA kết hợp cùng Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) tiến hành các bước tìm hiểu, ghi nhận, đánh giá nhận xét tất cả các yếu tố liên quan đến vụ việc bé gái có khả năng gây cháy tại quận Tân Bình, TPHCM.
Quần áo, đồ vật bị cháy, "thủ phạm" là ai? Câu hỏi này đang được làm sáng tỏ dần |
Qua đó, đoàn khoa học đã đưa ra 5 nhận định ban đầu. Thứ nhất: Do yếu tố ngẫu nhiên, trùng hợp với sự có mặt cháu bé. Nghĩa là nơi nào có mặt bé là xảy ra cháy, chưa hẳn bé "gây cháy".
Ở trường hợp này, thủ phạm có thể dùng chiêu "ném đá giấu tay", chẳng hạn một nơi nào đó bị phóng hỏa gây cháy, tình cờ bé gái xuất hiện thì mọi người sẽ chỉ đích danh bé là "thủ phạm", đánh lạc hướng điều tra, dư luận.
Thứ hai: Do có sự sắp đặt cố ý của một người nào đó. Vấn đề này có bàn tay đạo diễn tài tình, khéo léo, ngụy trang có "tay nghề". Sau khi thấy "động" nên thủ phạm dùng phương án "tĩnh" để qua mặt cơ quan chức năng. Kèm đó là những vụ cháy cũng "im" luôn. Tuy nhiên, nếu thấy cơ hội thuận lợi thì đối tượng tiếp tục hành động.
Thứ ba: Do yếu tố của điện từ trường xung quanh nhà hoặc trong nhà... Yếu tố này có thể dùng thiết bị chuyên ngành đo đạc không khó. Đo đạc, khảo sát cho kết quả bình thường, không có ảnh hưởng gì đáng kể.
Thứ tư: Do một năng lượng sinh học nào đó, đột biến, liên quan môi trường, cơ thể cháu bé. Ở yếu tố này, theo lời kể, em bé có khả năng "phóng hỏa" trong phạm vi 20m, tại sao quần áo em mặc trên người không hề cháy? Những trường hợp cháy ở trường học, khách sạn nghỉ mát thì những nơi này không thừa nhận có cháy xảy ra.
Thứ năm: Có thể do yếu tố vô hình, tâm linh nào đó liên quan. Vấn đề này tế nhị, cần xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng thấu đáo nhằm tránh cho những kẻ xấu "thừa nước đục thả câu", tuyên truyền mê tín dị đoan.
Trong 5 yếu tố nêu trên, các nhà khoa học thực nghiệm tiến hành theo phương pháp loại dần, nội suy theo phương pháp khoa học, đo đạc bằng các thiết bị chuyên ngành hiện đại. Qua đó, các khoa học gia nghiêng về hai khả năng đầu tiên nhiều hơn. Các yếu tố còn lại ít có khả năng xảy ra.
"Tất cả những vụ cháy đều qua lời kể của người nhà, chưa được kiểm chứng bằng phương pháp khoa học, nghiệp vụ hình sự nên có thể nói là bằng chứng chưa xác đáng. Theo đó, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm hiểu vấn đề, khi nào có kết quả chính thức sẽ thông báo để dư luận nắm rõ" - ông Khanh cho biết.
Được biết, đây là lần đầu tiên, đoàn các nhà khoa học, cán bộ hình sự thuộc hai cơ quan Nhà nước chính thức vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ cháy liên quan đến bé gái "siêu nhân". Trước đó có đoàn Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) và đoàn các nhà nghiên cứu, ngoại cảm đến từ Hà Nội dẫn đầu là nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải nhưng đều chưa đưa ra kết quả thuyết phục.
Theo tìm hiểu, từ ngày 19/5 đến nay chưa ghi nhận vụ cháy nào liên quan đến bé gái.