Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho dân quản lý, từ những năm 90 hàng ngàn hộ dân đã nhận trên 10.000 ha đất rừng từ các lâm ngư trường của Nhà nước. Theo đó, lâm trường giao đất giao rừng cho dân quản lý, hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cho dân. Về phía người dân thì chịu trách nhiệm trồng rừng, quản lý rừng, được phép tổ chức sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Sau 5 năm, rừng tới tuổi khai thác sẽ chia đôi lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí.
Vào thời điểm đó, cây gỗ tràm có giá trị kinh tế cao, vì trong xây dựng cơ bản người ta dùng cây tràm làm cừ nên trung bình 1 ha rừng tràm cho thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, kể từ khi bê tông được đưa vào sử dụng thay gỗ tràm làm cừ trong xây dựng, cây tràm bắt đầu ế ẩm. Mỗi năm có từ 5.000-10.000 ha rừng tràm đã tới tuổi khai thác nhưng không dám khai thác vì không có ai mua.
Ông Nguyễn Văn Đấu, Phó giám đốc Vườn quốc gia Vồ Dơi thuộc U Minh Hạ cho biết: Hiện 1 ha rừng tràm đến tuổi chỉ còn 10-20 triệu đồng nhưng bán cũng không có người mua. Vì vậy, cuộc sống của người trồng tràm đang gặp khó khăn vì mất nguồn thu nhập quan trọng, lâm ngư trường cũng bức xúc vì cũng mất đi nguồn thu đáng kể, nhưng không có cách nào khác.
Để tìm hướng đi mới cho cây tràm, chính quyền địa phương đã mời gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tràm để xuất khẩu. Đã có 3 nhà đầu tư được cấp phép, nhưng sau đó họ đều rút hết do tình hình kinh tế khó khăn, chủ yếu là thiếu vốn. Hiện nay, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư, hợp tác xây dựng nhà máy chế biến gỗ tràm để xuất khẩu, vì chỉ có cách này, cây tràm mới được sử dụng đúng với giá trị thật của nó. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi nhà đầu tư, cho tới ngày gỗ tìm được "đầu ra" thì hàng trăm hộ dân vẫn gặp nhiều khó khăn vì mất nguồn thu nhập.