Từ năm 2008, rễ cây bách bệnh đã được bào chế thành sản phẩm viên uống đầu tiên có tên Khang dược, với tính hiệu quả và độ an toàn cao, đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng và bán chạy nhất hiện nay trong việc tăng cường sinh lý, hạn chế mãn dục nam...
Hiện nay cây bách bệnh đã trở thành hàng hoá phổ biến và được ưa chuộng trên thị trường, nhất là thị trường Mỹ; một kg rễ cây bách bệnh băm nhỏ có giá bán buôn là 9 USD, còn nếu được xay thành bột là 14 USD/kg; loại thành phẩm còn có giá trị cao hơn nữa. Theo khảo sát của các nhà khoa học, ở Việt Nam, cây bách bệnh mọc phổ biến ở rừng núi thấp (dưới 100m) và trung du; trong các rừng thưa; dưới tán các cây gỗ lớn; chủ yếu ở miền Trung và Đông Nam Bộ. Một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn... có xuất hiện nhưng số lượng không nhiều và thường gặp ở dưới tán rừng và các đồi cây bụi...
Việc nghiên cứu về cây bách bệnh trên thế giới và Việt Nam mới chỉ tập trung vào giá trị dược liệu, các biện pháp kỹ thuật gây trồng giống cây bách bệnh của trường Đại học Nông Lâm Huế cũng chỉ chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người dân và được trồng bổ sung dưới tán rừng tự nhiên, chưa có công bố kết quả nhân giống và kết quả gây trồng. Mặt khác, việc nhân giống cây mới chỉ giới hạn ở việc gieo hạt. Bách bệnh là loài cây có số lượng hạt rất hạn chế nên việc nhân giống từ hạt cũng là một trở ngại cho việc phát triển loài cây quý này trên diện rộng. Nhu cầu thực tế đặt ra sự cần thiết của việc nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp giâm hom để khắc phục nguồn hạt giống khan hiếm.
Cán bộ VQG Bái Tử Long kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây bách bệnh sau khi nhân giống... |
Theo số liệu sơ bộ điều tra của Vườn Quốc gia Bái Tử Long, trong khu vực của Vườn như Cái Lim, Cồn Trụi, Ba Mùn... có khoảng vài chục cây bách bệnh phân bố rải rác. Số lượng cây đang có dấu hiệu suy giảm do người dân khai thác. Các bộ phận của cây đều được sử dụng, đặc biệt là rễ, nên người dân khai thác toàn bộ cây, cây không có cơ hội tái sinh. Trước tình trạng trên, việc trồng thử nghiệm loài cây này là rất cần thiết nhằm bảo tồn nguồn giống ổn định. Để khắc phục nguồn hạt giống khan hiếm, VQG Bái Tử Long đã quyết định lựa chọn phương pháp giâm hom (dùng 1 phần lá, 1 đoạn thân, đoạn cành hoặc đoạn rễ để tạo ra cây mới). Mô hình trồng thử nghiệm cây bách bệnh đã được tiến hành trên diện tích 0,5ha, sau 4 lần chăm sóc, cây cao 45cm, đường kính gốc 0,4cm và tỉ lệ sống lên tới 85%.
Trong xu thế nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng ngày một phát triển thì việc sản xuất ra các loại thuốc từ thảo mộc để tăng cường sức khoẻ cho con người ngày càng được chú trọng. Hiện tại, người dân mới chỉ biết khai thác, sử dụng, không biết bảo tồn, phát triển; cũng chưa có phương pháp nhân giống, gây trồng. Điều này cũng làm cho nguồn dược liệu tự nhiên nói chung và cây bách bệnh nói riêng nhanh chóng cạn kiệt. Kết quả nghiên cứu của VQG Bái Tử Long sẽ góp phần hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật gieo ươm, gây trồng loài cây thuốc quý đang có nguy cơ bị khai thác kiệt do giá trị điều trị đa bệnh trong cuộc sống hiện đại. Đề tài được triển khai trong điều kiện thực tế của khu vực, vì vậy kết quả của đề tài sẽ là mô hình mẫu cho việc gây trồng bảo tồn, phát triển cây bách bệnh; là địa điểm tiến hành các nghiên cứu khoa học liên quan. Do vậy, sản phẩm của đề tài là mô hình tốt để người dân trong vùng tham quan học tập, quyết định đầu tư trồng loài cây dược liệu quý này; góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn dược liệu thiên nhiên ngày càng lớn cho thị trường. Đề tài thành công cũng là cơ sở để phát triển theo hướng thương mại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi đạt chu kỳ khai thác khoảng 10 năm là có thể thu hoạch thành phẩm...
Tháng 1-2009, đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ chấp thuận cho xây dựng đề cương. Với nhiều cố gắng và nỗ lực, sau 3 năm triển khai, tháng 12-2011, đề tài đã thành công và được thẩm định. Theo kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: “ Hiện nay, Ban quản lý VQG Bái Tử Long vẫn đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc cho đến khi cây trưởng thành, đồng thời sẵn sàng cung cấp miễn phí tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, gây trồng và làm dịch vụ kinh tế cho tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc kinh doanh, phát triển cây bách bệnh. Với thành công bằng phương pháp giâm hom, việc tạo ra một quần thể cây bách bệnh là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để tiếp tục theo đuổi đề tài trong thời gian dài (gần 10 năm) cũng đang trở thành gánh nặng cho VQG”.