Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân phải mua bồn, lu hoặc khạp về để chứa nước dùng dần. Ảnh: Nhật Hồ
Mượn… nước
Tôi đã từng nghe chuyện thiếu nước của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc và cũng đã ra tận Trường Sa chứng kiến cảnh cán bộ, chiến sĩ quý nước như vàng. Tuy nhiên, chuyện mượn nước như mượn gạo từ cái thời “ngăn sông cấm chợ” thì chưa. Bởi thế, khi nghe ông Nguyễn Văn Coi - Bí thư Chi bộ ấp 18, xã Biển Bạch - dẫn chứng ở đây thiếu nước phải đi mượn như mượn gạo, mượn tiền, tôi không chịu: “Chú dẫn chứng xem?”.
Ông trợn mắt: “Thằng Dũng mới cách đây hai tuần nè chớ ai. Vợ nó đẻ phải chở đi chợ huyện, chẳng có ai ở nhà mà đổi nước. Khi mẹ tròn con vuông về nhà mới tá hoả trong lu không còn nước. Nó phải chạy khắp nơi để mượn nước về xài. Thấy nó khổ, bà Tám Thiện thương tình cho nó mượn 4 đôi nước. Thằng nhỏ phải đợi đến 4 ngày sau, khi có ghe nước đi ngang, nó mới trả được”.
Ông Coi nói cả ấp 18 có 608 hộ thì chỉ có 40 hộ giàu, còn lại đều nghèo. Nhưng giàu nghèo gì cũng thiếu nước tất, chẳng chừa một ai. Chỉ khác là người có tiền, có của thì mua bồn, mua lu, khạp về chứa nước mưa để xài dần. Còn các hộ nghèo kiếm tiền lo cho hai bữa ăn đã là phước, lấy đâu ra vài triệu bạc để mua bồn với lu để chứa nước. Ông Trần Văn Năm cùng ấp mới mua được 4 cái lu (mỗi cái 350.000 đồng) khoe: “Xóm này tiêu chí để đánh giá đẳng cấp là nhà nào có nhiều lu, khạp chứa nước đó”. Tôi ngạc nhiên: “Nhà ông Năm đâu có giàu, nhưng vì sao lại có đến một lúc 4 cái lu?”.
Hỏi ra mới biết, ông Năm là dân mới nhập cư về đây gần 2 năm, nghe bà con xóm giềng nói ở đây thiếu nước... chở theo lu để dành trữ nước. Ông Năm khoe, vừa mới đổi (chính xác là mua) 4 lu nước mất hết 320.000 đồng. “Sao rẻ vậy?” - tôi thắc mắc. Ông cười: “Do tôi ở cặp sông, chớ ở xa một chút, một lu nước (chưa được 1m3) đến cả trăm ngàn lận đó”.
Ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch - đi cùng tôi, tặc lưỡi: “Tôi tính mỗi hộ một tháng xài 2 khối nước, hộ nào xài nhiều lắm ở đây cũng chỉ 5 khối, thì hằng tháng mất từ 200.000 - 500.000 đồng cho việc đổi nước rồi. Số tiền này hơn cả thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo vùng nông thôn như xã tôi”. Tôi vặn lại: “Một tháng xài 5 khối nước?”. Tưởng tôi nói xài vậy là nhiều, ông Lê Bảo Diễn - ngụ ấp 18 - phân bua: “Thì nhín nhín chút chắc cỡ 4 khối”. Thật khó tưởng tượng nổi một hộ gia đình mỗi tháng chỉ xài 4 khối nước cho tất cả các khâu từ nấu ăn, tắm giặt...
Khổ vì… nước
Để tiết kiệm nước, người dân xã Biển Bạch tìm mọi cách có thể. Ông Lê Bảo Diễn cho hay: “Ngay cả tôi ở nhà không bao giờ mặc áo. Khi tắm nhảy ùm xuống dòng sông Trẹm nước mặn chát, rồi lên xối một ca nước ngọt lại cho đỡ rít mình mẩy, vậy thôi”.
Hơn 30 năm nay, trên 1.000 hộ dân tại đây đã quen với kiểu “tắm vịt” như vậy. Khổ nỗi, phụ nữ và trẻ con không thể nhảy ùm xuống dòng sông như cánh đàn ông được, nhưng họ có cách khác, đó là “tắm nước phèn”. Bà Trần Thị Út không ngại ngùng khoe cái ao nước như cái trũng là nguồn nước tắm giặt của cánh phụ nữ trong xóm. “Thấy nước phèn vậy đó, chớ cũng còn ngọt. Nếu thêm một tháng nữa trời không mưa thì không biết tắm ở đâu đây - bà Út phân trần rồi ví von nửa đùa nửa thật - Tụi tui ở đây điện đóm đầy đủ, nhưng nước nôi khô queo hết, chú ơi”.
Cái ao nước phèn này là nguồn nước tắm giặt của cánh phụ nữ. |
Ông Trần Văn Chiến - Chủ tịch Hội Đông y xã Biển Bạch - cho biết: “Thiếu nước sạch trong sinh hoạt, nên người dân ở đây dễ mắc các chứng bệnh ngoài da. Họ đến đây kêu tôi kê toa bốc thuốc, nhưng làm sao mà tôi trị được bệnh thiếu nước cho được”.
Thiếu nước, nhưng không phải lúc nào người dân nơi đây cũng có cơ hội đổi nước. Muốn có nước sạch phải chèo xuồng ngược dòng sông Trẹm về phái An Minh (Kiên Giang) trên 7km. Mùa khô này, một số gia đình tận An Minh đầu tư ghe lớn chuyên chở nước về đổi nước cho người dân ở đây. Một ngày một lần vào buổi sáng, ai trễ chuyến đành phải gánh thùng đi mượn nước về xài tạm.
Thiếu nước không những làm cho đời sống người dân đảo lộn, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng khổ vì... nước. Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Biển Bạch - kể: “Xã có trường mẫu giáo mới xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia, nhưng chỉ vì thiếu nước nên bếp ăn không sử dụng được, vì vậy học sinh không thể học bán trú. Ngay cả trạm y tế xã hiện nay cũng phải đổi nước để mà sử dụng. Là cán bộ chính quyền, đi đến đâu cũng bị người dân ta thán, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào được”.
Nước ơi!
Biển Bạch nằm giáp ranh huyện An Minh (Kiên Giang), có 1.560 hộ dân sinh sống. Đây là xã nghèo và nằm ở vùng sâu, xa nhất của huyện Thới Bình. Năm 2009, Biển Bạch được Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hỗ trợ 120 bồn nhựa (loại 500 lít) ưu tiên cho hộ nghèo để trữ nước mưa; đầu tư xây dựng 4 bồn nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 50% số hộ dân trong xã.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn 2 bồn nước hoạt động, chỉ đủ phục vụ cho khoảng 300 hộ dân trên tuyến thuộc ấp Hà Phúc Ứng. Hai bồn nước còn lại ở ấp Kinh 13 và Kinh 16 đã tê liệt do nguồn nước cạn, không thể bơm được nước, trụ đỡ bồn nước lâu ngày gỉ sét, không được duy tu, sửa chữa kịp thời.
Ông Lý Minh Khởi - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cà Mau - cho biết: “Biển Bạch nằm gọn trong vũng địa tầng không nước, chính vì vậy đã có nhiều đoàn khảo sát thử nghiệm nhưng không thể khoan nước giếng được. Có đơn vị khoan đến độ sâu 700m nhưng nước vẫn không ngọt. Để người dân có nước sinh hoạt phải khoan giếng từ nơi khác dẫn về, nhưng cũng chỉ phục vụ tắm giặt chớ không thể uống được”. Khoan giếng ở nơi gần nhất cũng mất đến vài kilômét, điều này xem ra rất tốn kém.
Ông Phạm Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã - đề nghị: “Ngoài việc đầu tư giếng nước tập trung cho các đơn vị trường học, trạm y tế, theo tôi hiệu quả nhất là hỗ trợ người dân mua bồn nhựa về trữ nước mưa để sinh hoạt. Bởi người dân sống không tập trung, nếu có giếng nước tập trung cũng chỉ giải quyết được 70% nguồn nước cho dân”.
Chuyện tái đầu tư giếng nước cho dân hay mua bồn chứa nước chắc chắn lãnh đạo huyện Thới Bình và Sở NNPTNT Cà Mau sẽ giải quyết. Điều chắc chắn là không thể kịp vào mùa khô năm nay. Và điều hiển nhiên là trên 1.000 hộ dân tại Biển Bạch ngày đêm vẫn vật lộn với chuyện thiếu nước. Rời Biển Bạch về huyện Thới Bình, chiếc loa phóng thanh treo trên cột điện cứ vô tình oang oang thông điệp: “Hãy bảo vệ nguồn nước. Bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội”. Dưới dòng sông Trẹm, bất chợt có chiếc ghe bầu đang chạy ngược. Tôi buột miệng: “Nước ơi!”.
Biển Bạch nằm tựa lưng Lâm - Ngư trường Sông Trẹm, nơi có cánh rừng tràm bạt ngàn, nên nước từ những cánh rừng này đổ ra đỏ như rượu vang, phèn vàng như ổ ong nghệ. Chuyện thiếu nước sinh hoạt tại đây không mới. Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa khô là thiếu nước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tình trạng thiếu nước gay gắt nhất, thời gian thiếu nước cũng kéo dài. Lý do là chủ trương của tỉnh Cà Mau cho phép Biển Bạch chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa, trồng tràm sang nuôi tôm. Những cánh ao đìa chứa nước ngọt trước đây bị san bằng rồi lên bờ bao nuôi tôm. Vậy là tất cả chỉ biết trông chờ vào nước trời.