Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nên cho trẻ bú sữa mẹ - Ảnh minh họa
Trước đó, trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quảng cáo do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi trình bày đã bỏ điều khoản quy định điều cấm này.
Theo báo cáo, Nghị định số 21/2006/NĐ-CP đã cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Do vậy, để tránh quy định hai lần về cùng một loại sản phẩm, dễ gây hiểu không đúng, Dự thảo Luật đã bỏ khoản 4 điều 8 quy định về cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình bú, vú ngậm nhân tạo dùng cho trẻ em, mà đưa nội dung này vào điểm d, khoản 4 điều 21 (dự thảo mới) quy định về điều kiện quảng cáo và bổ sung cụm từ “được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế”.
Phần lớn các đại biểu không đồng tình với báo cáo với lý do việc được nuôi bằng sữa mẹ là quyền của trẻ em. Hơn nữa nuôi con bằng sữa mẹ còn đảm bảo sức khỏe của trẻ em, phát triển giống nòi và hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết trong kinh tế gia đình. Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) bức xúc: “Tại sao chúng ta không cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ trong khi những năm qua chúng ta đã bỏ khá nhiều thời gian, công sức cho việc tuyên truyền, khuyến khích sử dụng sữa mẹ.
Nghị định 21 của Chính phủ đã cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi thì Luật Quảng cáo cũng phải thể hiện được điều này”. Bà Duyền cho biết, trên thực tế khi đi khảo sát, nhiều bà mẹ có sữa cho con bú nhưng vì quảng cáo lại mua thêm sữa bột cho con dù điều kiện kinh tế còn eo hẹp. Trước những phân tích trên, đại biểu Duyền đề nghị giữ nguyên khoản 4 điều 8 như dự thảo đã trình.
Đồng quan điểm với đại biểu Khúc Thị Duyền, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng không nhất trí việc báo cáo giải trình đưa ra khỏi dự luật quy định cấm quảng cáo sản phẩm dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Theo đại biểu Phương, các đại biểu Quốc hội không có ý kiến gì về việc bỏ điều khoản này nên báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đưa điều khoản này ra khỏi dự luật là không đúng.
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới và cả Việt Nam cũng đang nỗ lực tuyên truyền cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Chính Quốc hội cũng đang bàn đến chuyện tăng thời gian nghỉ thai sản lên sáu tháng với mục đích hàng đầu là để trẻ được kéo dài thời gian bú sữa mẹ nên cho phép quảng cáo sữa bột thay thế sữa mẹ thì là không hợp lý. “Đó là chưa kể đến việc chúng ta chưa kiểm soát được sữa hiện nay, vẫn còn tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái”, đại biểu Phương chia sẻ thêm.
Nhiều đại biểu còn đề xuất cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) phân tích: “Vẫn biết quyền quyết định nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức là của bà mẹ. Nhưng không thể phủ nhận sức quyến rũ của các quảng cáo sữa. Những quảng cáo này đã làm người mẹ lầm tưởng về giá trị sữa bột, không tin tưởng vào giá trị sữa của mình. Do đó, chắc chắn quảng cáo sẽ có tác dụng không nhỏ đối với quyết định của các bà mẹ khi chọn sữa cho con”.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Võ Ngọc Thứ (Kiên Giang) cũng đề nghị cấm quảng cáo sữa để tránh việc bà mẹ phải so sánh giữa sữa mẹ và sữa quảng cáo đồng thời ảnh hưởng ngân sách gia đình. Đại biểu Thứ nhấn mạnh: “Nếu không cấm được quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng thì cũng phải cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng”.
Ngoài vấn đề đề nghị bổ sung điều khoản cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ, nhiều đại biểu còn đề nghị bổ sung thêm vào dự luật điều khoản cấm các hành vi như: quảng cáo có hình ảnh, lời nói phản cảm; quảng cáo rao vặt, tin nhắn rác; quảng cáo rượu..., đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) đề nghị Quốc hội cân nhắc cấm thêm hành vi lợi dụng vấn đề nhân đạo để lồng ghép vào quảng cáo. Đại biểu Tám cho biết, bà hoàn toàn không phản đối doanh nghiệp làm từ thiện nhưng lợi dụng từ thiện, lợi dụng sự bất hạnh của người khác để quảng cáo sản phẩm thì không nên.
Đại đa số các ý kiến phát biểu trong phiên họp sáng 30-5 bày tỏ sự đồng tình giao việc quản lý quảng cáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các vấn đề như thời lượng quảng cáo trên truyền hình; cách đưa quảng cáo trên báo in; khiếu nại, yêu cầu bồi thường trong trường hợp quảng cáo không đúng sự thật... cũng được các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Chiều 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính.
27,5% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi
Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo khoa học về nuôi dưỡng trẻ nhỏ do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng Tổ chức Nuôi dưỡng và phát triển (A&T) tổ chức ngày 22-5-2012. Theo Bộ Y tế, hiện chỉ có hơn 60% trẻ em Việt Nam được bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh và chưa đến 1/5 trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và vẫn còn tới gần 1/3 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi - đây là nguyên nhân Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nước có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất thế giới. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tình trạng thấp còi làm suy yếu hệ miễn dịch ở trẻ, gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây... do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trẻ sơ sinh cần được bú mẹ sớm ngay từ giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, tiếp tục được bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, nguyên nhân của việc trẻ em không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu là do hiện có quá nhiều quảng cáo kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng vi phạm làm sai lệch nhận thức của bà mẹ về lợi ích của sữa mẹ; nhân viên y tế phối hợp với hãng sữa đẩy mạnh hoạt động tiếp thị bán sản phẩm... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn sáu tháng đầu, 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy ước tính hàng năm thực hành nuôi con bằng sữa mẹ kém là nguyên nhân gây ra khoảng 1,4 triệu ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.