Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khánh Hòa: Ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển san hô trái phép -Ảnh minh họa
Các đối tượng không chỉ khai thác trái phép san hô bằng phương tiện thô sơ, mà còn sử dụng các phương tiện cơ giới như: máy đào, máy múc, xe ô tô… để tận thu san hô. Manh động hơn, nhiều đối tượng còn chống trả lại người thi hành công vụ khi lực lượng chức năng tiến hành xử lý việc khai thác san hô trái phép. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc khai thác, vận chuyển san hô trái phép trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), phó Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: Trong tháng 6/2012, lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở NN&PTNN, cảnh sát Môi trường, Bộ đội Biên phòng và chính quyền các địa phương sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các những người thu mua, khai thác san hô trái phép… Qua đó, ngăn chặn không để việc khai thác trở thành hệ thống, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác san hô trái phép.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý số lượng đá san hô đã khai thác còn tồn đọng trên địa bàn huyện Vạn Ninh, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng các pano cảnh báo lớn dựng ở các xã thường xuyên xảy ra nạn khai thác san hô; mở các lớp tập huấn cho người dân các văn bản pháp luật liên quan đến việc khai thác và vận chuyển san hô trái phép...
Ở các vùng ven biển Vạn Ninh, nạn khai thác san hô trái phép bùng phát trong những năm gần đây chủ yếu do các đầu nậu buôn san hô thuê người dân địa phương khai thác san hô với mục đích sản xuất vôi, làm mỹ nghệ, vật liệu phục vụ may mặc, bẫy tôm hùm... Giá bán san hô trên thị trường khá cao, tùy theo mục đích sử dụng, dao động từ 300- 600 nghìn/m3, san hô dùng làm mỹ nghệ còn có giá cao hơn.
Theo thanh tra của Sở NN&PTNN, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) là địa phương có nạn khai thác san hô “nóng bỏng” nhất. Các đầu nậu thu mua đã “móc ngoặc” với người dân bằng cách chất san hô thành đống nhỏ, để rải rác ở nhiều địa điểm. Sau đó, hai bên hẹn đúng ngày giờ cho xe đến bốc hàng một cách nhanh gọn. Ngoài ra, việc vận chuyển san hô không chỉ bằng đường bộ mà còn bằng ghe, bè… hòng trốn tránh lực lượng chức năng. San hô sau đó đưa về tập kết ở xã Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết: Việc kiểm tra xử lý được tiến hành thường xuyên liên tục, tuy nhiên nạn khai thác san hô vẫn tái diễn vì không giải quyết được tận gốc. Các đầu nậu thu mua san hô chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, còn những người vi phạm trực tiếp bị xử lý là bà con trong thôn, xã. Khi các đối tượng tiến hành khai thác, vận chuyển san hô, đều có người canh chừng, gây khó cho cơ quan chức năng. Xã đang tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi nghề cho người dân nhưng gặp nhiều trở ngại vì việc khai thác san hô trái phép thu lợi nhuận khá lớn.
Hiện nay, đa số các địa phương ven biển tỉnh Khánh Hòa đều có tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển san hô trái phép. Nhiều nơi đã hình thành các chợ buôn bán san hô như ở xã Vạn Hưng, Vạn Thạnh (Vạn Ninh), xã Ninh Hải (Ninh Hòa).
Các rạn san hô chết là môi trường sống cho thảm động, thực vật thủy sinh, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, ngăn nước biển xâm thực…Chính vì vậy, nạn khai thác san hô sẽ hủy hoại bờ biển, gia tăng mối nguy nước biển xâm thực và làm suy giảm nguồn lợi thủy sản...