Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nông dân không “mặn mà” tham gia bảo hiểm nông nghiệp
Tuy nhiên, theo Công ty Bảo Việt Đồng Nai, đến thời điểm này, Công ty chỉ mới ký hợp đồng BHNN trong chăn nuôi với 244 hộ, tổng số tiền bảo hiểm hơn 7,7 tỷ đồng và tổng phí bảo hiểm hơn 360 triệu đồng. Như vậy, nếu so với tổng số hộ chăn nuôi ở 9 xã chọn làm thí điểm tham gia bảo hiểm chăn nuôi của tỉnh, thì chỉ có gần 5% số hộ chăn nuôi tham gia BHNN. Đâu là nguyên nhân khiến người chăn nuôi vẫn chưa tham gia BHNN?
Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm BHNN trong chăn nuôi tỉnh cho biết: Theo Quyết định 351 của Chính phủ, Đồng Nai là một trong 20 tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm BHNN trong chăn nuôi. Tỉnh đã hoàn thành việc ban hành qui trình chăn nuôi để đối chiếu, lựa chọn các hộ đủ điều kiện và đã có hướng dẫn cụ thể để các địa phương chủ động triển khai. Theo thống kê, tại 9 xã tham gia thí điểm (thuộc 3 huyện Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc của Đồng Nai) trên 5 vật nuôi: trâu, bò, lợn, gà, vịt trong giai đoạn 2011-2013 , hiện có trên 10 ngàn hộ chăn nuôi với số lượng trâu, bò, lợn, gà, khoảng trên 1,4 triệu con. Trong đó, số hộ nghèo, cận nghèo, tức là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ lần lượt ở mức 100% và 80% phí bảo hiểm là khoảng trên 600 hộ. Đồng nghĩa với số tiền hỗ trợ sẽ tương đương khoảng 13 ngàn tỷ đồng. Trong số này, kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Đồng Nai theo qui định khoảng 6.500 tỷ đồng.
Nhưng đến nay mới có 141 hộ nghèo của huyện Tân Phú, 91 hộ nghèo huyện Định Quán và 12 hộ nghèo của huyện Xuân Lộc tham gia ký hợp đồng BHNN. Nguyên nhân, các hộ chăn nuôi không "mặn mà" tham gia bảo hiểm, được đại diện các địa phương trong tỉnh nêu lên nhiều khó khăn và bất cập trong triển khai thí điểm BHNN chăn nuôi như: Biểu phí BHNN cao vì sau khi đã được Nhà nước hỗ trợ, các hộ không thuộc diện nghèo nếu tham gia thí điểm BHNN phải đóng 240 ngàn đồng/con bò thịt/năm, 120 ngàn đồng/con lợn thịt và 160 ngàn đồng/con lợn nái/năm. Đại diện cả 3 huyện Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc đều có chung ý kiến là mức phí BHNN cho các hộ chăn nuôi khá cao. Với điều kiện giá lợn hơi, gà thịt bán tại chuồng từ đầu năm đến nay thường xuyên thấp hơn giá thành 5-6 ngàn đồng/kg, hầu hết người chăn nuôi không có điều kiện để tham gia. Sở Tài chính tỉnh cũng cho rằng, sở dĩ mới có các hộ nghèo tham gia thí điểm BHNN là vì theo quy định, các hộ này sẽ được Chính phủ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm. Còn các hộ không thuộc diện nghèo phải đóng 40% và tập thể, doanh nghiệp đóng 80% phí, với mức phí này là quá cao”.
Một bất cập nữa là thời gian bị thiệt hại trước khi công bố dịch bệnh chưa được xem xét bồi thường, tỷ lệ bị dịch bệnh phải trên 10% tổng đàn quy mô toàn xã và trang trại mới được bồi thường, loại bệnh được bảo hiểm còn hạn chế, điều kiện tham gia bảo hiểm khắt khe, chưa hấp dẫn nông dân. Ông Đoàn Huy Châu, chủ một trang trại lợn, gà có quy mô lớn ở ấp Ngọc Lâm 1, xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) cho biết: “Tôi chưa tham gia BHNN là vì mức phí phải đóng cao, còn quy định về thời hạn bảo hiểm không hợp lý. Cụ thể như, gà dưới 2 tuần tuổi, heo dưới 2 tháng tuổi dễ bị bệnh lại không được tham gia BHNN. Khi xảy ra dịch bệnh phải có tổng đàn bị thiệt hại 10% và được tỉnh công bố dịch mới được hưởng hỗ trợ! Điều này xem ra quá xa với thực tế…
Ông Phan Minh Báu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận: Tại Đồng Nai khi xảy ra ổ dịch nhỏ tỉnh sẽ tiến hành tiêu hủy ngay đàn gia súc, gia cầm này để tránh lây lan ra diện rộng. Song theo quy định thì những trường hợp này sẽ không được hưởng BHNN, là thiệt thòi lớn cho các hộ chăn nuôi…
Trước thực tế trên, tỉnh đã đề xuất Chính phủ bổ sung thêm bệnh tụ huyết trùng trên gia súc và bệnh Newcastle ở gà vào danh mục bệnh được BHNN, đồng thời giảm phí với lợn thịt, gà thịt và điều chỉnh lại một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương… giúp nông dân yên tâm hơn để tham gia BHNN.