Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Với chiều dài 240km, diện tích lưu vực khoảng 5.800 km2, sông Đáy là một phân lưu bên bờ phải của sông Hồng, chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Từ năm 1937, đập Đáy được hoàn thành để chủ động phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy khi có lũ vượt thiết kế để bảo vệ Thủ đô với lưu lượng khoảng 5.000 m3/s.
Thời gian qua, do tác động của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và các khu đô thị, sự lấn chiếm bãi sông, lòng sông trong khu vực và do thực tế không phân lũ, lòng dẫn thoát lũ nhiều đoạn bị bồi lấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chuyển tải nước, lòng dẫn sông Đáy bị suy giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, các công trình đầu mối phân lũ được xây dựng từ lâu với các công nghệ lạc hậu, từ năm 1971 đến nay chưa qua thử thách, có nguy cơ mất an toàn khi phải thực hiện việc vận hành phân lũ. Nhiều đoạn đê sông còn thấp, bé không đảm bảo mặt cắt chống lũ.
Trước tình hình này, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tờ trình, đề án quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy làm cơ sở để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện phân lũ sông Hồng, đồng thời là giải pháp mới thực hiện Nghị định 04/2011/NĐ-CP về bãi bỏ việc sử dụng khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thông sông Hồng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy là phần quan trọng để thực hiện quy hoạch chung Thủ đô. - Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Đến nay, cơ quan hoạch định đã tiến hành rà soát, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng trong khu vực, tổ chức tính toán các quy hoạch có liên quan nhằm phát huy có hiệu quả việc sử dụng lòng dẫn, đưa nước vào sông Đáy để thay đổi, đưa lưu vực sông trở thành khu kinh tế, đô thị quan trọng, vùng vành đai xanh cải thiện môi trường - cảnh quan hai bên bờ sông theo định hướng không gian khu vực hành lang xanh của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được phê duyệt.
Cơ quan soạn thảo cũng đã trình những giải pháp tổng thể về công trình cải tạo lòng dẫn, củng cố, nâng cấp đê, kiên cố hóa đê điều; các giải pháp phi công trình, xác định tuyến thoát lũ, đề xuất vốn đầu tư và trình tự thực hiện quy hoạch.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đưa ra các ý kiến thẩm định, rà soát các tính toán, phương án quy hoạch của cơ quan soạn thảo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là phần quan trọng để thực hiện quy hoạch chung Thủ đô, hướng đi mới nhằm đảm bảo điều tiết nước, phòng chống lũ cho vùng đồng bằng Bắc Bộ và là cơ sở cho việc rà soát các quy hoạch sử dụng đất bãi sông, quy hoạch xây dựng trong khu vực, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát lại, tính toán cụ thể mục tiêu của quy hoạch chung cũng như từng dự án, tính toán, bổ sung số liệu để đưa ra các phương án với những bài toán đầu tư hiệu quả liên quan đến các hạng mục.
Thời gian tới, cơ quan xây dựng quy hoạch sớm hoàn thiện, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá tác động môi trường chiến lược để làm cơ sở cho việc điều chỉnh các phương án quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều sông Đáy cũng như đồng bộ hóa các biện pháp điều hành các hồ chứa thượng lưu.
Về bài toán huy động nguồn lực, phải tính toán đến từng dự án, hạng mục để tiến hành huy động, bố trí các nguồn vốn đầu tư.