Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vòng đàm phán khí hậu thiếu tham vọng !

(17:05:32 PM 28/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Vòng đàm phán về khí hậu mới nhất của Liên hiệp quốc (LHQ), kéo dài 11 ngày qua với hơn 180 nước tham dự, gần như chẳng đạt được tiến bộ nào đáng kể sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12.2011 tại Durban, Nam Phi.

Cuộc họp diễn ra ở Bonn, Đức. Các nhà hoạt động cho rằng có một “liên minh không sẵn sàng” bao gồm các nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước thuộc vùng Vịnh. Trong khi đó, các nước đang phát triển lại cảm thấy quan ngại về việc thiếu các cam kết tài chính cho đến cuối năm nay.

 

 

 
Các vòng đàm phán khí hậu của LHQ từng được biết đến như cuộc chiến giữa “giàu và nghèo”, nhưng những năm gần đây, vấn đề chính trị đã trở nên rối ren hơn. Viễn cảnh đói lương thực do biến đổi khí hậu đang đe doạ miền Nam Nigeria. Ảnh: Reuters

 

Kết quả chủ yếu của vòng đàm phán này là đưa ra một thoả thuận các bên sẽ bắt đầu các cuộc nói chuyện để đi đến một thỏa thuận mới liên quan đến tất cả các nước. Nhìn chung, vẫn là đi từ một vòng đàm phán này đến một vòng đàm phán khác. Vòng đàm phán Durban trước đó đã vạch ra những thoả thuận ràng buộc vào năm 2015 và có hiệu lực đến năm 2020.

 

Ngay từ khi bắt đầu phiên họp, chủ tịch điều hành hội nghị khí hậu của LHQ (UNFCCC) bà Christiana Figueres, đã nói với các nhà đàm phán rằng sự tiến bộ của vòng đàm phán phụ thuộc vào tham vọng, “tham vọng hỗ trợ các nước đang phát triển, tham vọng huy động tài chính, tham vọng quyết định và giảm các khí thải theo tiêu chuẩn khoa học”. Đến cuối phiên họp, nhiều nhà quan sát, trong đó có cả Tove Maria Ryding của tổ chức quốc tế Hoà bình xanh, đã kết luận rằng phần lớn các nước lớn đều thiếu những “tham vọng” này.

 

Các vòng đàm phán khí hậu của LHQ từng được biết đến như cuộc chiến giữa “giàu và nghèo”, nhưng những năm gần đây, vấn đề chính trị đã trở nên rối ren hơn. Tại vòng đàm phán Durban, hàng chục nước nghèo nhất thế giới và các quốc gia dễ bị ảnh hưởng về khí hậu đã phải hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để có được thỏa thuận toàn cầu mới có tính pháp lý. Trong khi các nước phản đối động thái này bao gồm các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước giàu có như Mỹ.

 

Chia rẽ trong khối các nước đang phát triển đã dẫn đến những tranh cãi chưa từng có tại Bonn. Đại biểu Su Wei của Trung Quốc, được sự ủng hộ của các nước Arập Saudi, Ai Cập và Kuwait, đã đề nghị nhà ngoại giao kỳ cựu người Surinam bước khỏi ghế chủ tịch tạm thời của nhóm các nước thực thi những thoả thuận nền tảng Durban (ADP). Liên minh các quốc đảo nhỏ (OAsis) kiên quyết cho rằng ADP phải đảm bảo đúng tiến độ cắt giảm khí thải cho đến năm 2015, và sự can thiệp của ông Wei được xem như một cái tát với OAsis.

 

Nền kinh tế phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, vì sợ cắt giảm khí thải có thể làm chậm động cơ phát triển của họ, nhấn mạnh rằng các nước phát triển gây ô nhiễm lâu hơn, nên phải chịu mức giảm nhiều hơn. Trung Quốc còn viện dẫn những thất bại liên tiếp của các nước giàu như Mỹ, Nhật Bản, Nga và Canada trong việc cắt giảm khí thải, và những quốc gia này đã chọn không tiếp tục cắt giảm sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn. Tuy nhiên, các nước phương Tây và các quốc gia nhỏ bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu đang háo hức cho rằng các nước mới nổi như Trung Quốc phải cắt giảm trước.

 

Vấn đề hỗ trợ tài chính theo nhu cầu của các nước nghèo và dễ bị ảnh hưởng nhất để đối phó các tác động của biến đổi khí hậu dường như chẳng đạt được tiến bộ nào. Chỉ còn hơn bốn tháng cho cam kết hỗ trợ ban đầu từ 10 – 15 tỉ USD từ năm 2013 – 2015 tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo tổ chức ở Qatar.

 

Uỷ viên uỷ ban khí hậu của EU Connie Hedegaard phàn nàn rằng cuộc họp đã sa đà vào thảo luận quá trình mà không tập trung vào chất lượng của các thoả thuận. Đồng thời, tại Bonn, nhiều nước phát thải lớn nhất thế giới đã lãng phí quá nhiều năng lượng để di chuyển về phía sau mà lẽ ra phải là đảm bảo tiến độ.

 

Các nhà nghiên cứu khí hậu cho biết hành tinh có thể ấm hơn 3,50C vào năm 2100 nếu các nước không tăng cường hành động. Mục tiêu của LHQ là giới hạn sự nóng lên toàn cầu khoảng 20C.

 

Vòng đàm phán Doha tại Qatar vào tháng 10.2012 sắp tới vẫn còn nhiều việc cần giải quyết bao gồm việc đồng ý kéo dài Nghị định thư Kyoto, mức độ cắt giảm khí thải của các nước và khả năng nâng 100 tỉ USD một năm để tài trợ cho các nước đang phát triển giải quyết vấn đề khí hậu vào năm 2020. Cuộc nói chuyện ở Bonn lại cho thấy các nước đưa ra nội dung tranh luận còn nhiều bất đồng và trên hết là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, điều cần thiết để đi đến một thoả thuận có tính pháp lý cho tất cả các quốc gia.

Ngọc Khanh /SGTT (BBC, AFP, Reuters)