Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Sonadezi gây ô nhiễm: Trách nhiệm người đứng đầu và đại biểu của dân
GS.TS Nguyễn Vân Nam từng là luật sư đứng ra nhận bảo vệ nông dân kiện Vedan ra toà vì gây ô nhiễm. Ông Nam sinh năm 1956 ở Cần Thơ, tốt nghiệp ngành hoá, đại học Tổng hợp TP.HCM, có bằng cử nhân triết học và kinh tế ở Đức, thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ về luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh, tiến sĩ về luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Được phong giáo sư tại Đức năm 2002. Ông là tác giả của tác phẩm Toàn cầu hoá và sự tồn vong của nhà nước, do uỷ ban Liên minh châu Âu đặt hàng, xuất bản ở Đức 2002. Ảnh: Lê Quỳnh
|
Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, GS.TS luật sư Nguyễn Vân Nam cho rằng, hành động này cho thấy ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai đang làm mất uy tín của mình. Mặt khác, việc làm trên cũng khiến dư luận có cảm giác rằng bà Hằng và tổng công ty Sonadezi đang tìm mọi cách để chối bỏ trách nhiệm.
Với lý do nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Long Thành (xả thải vượt chuẩn ra môi trường) thuộc công ty cổ phần Sonadezi Long Thành, trong khi đây chỉ là 1/23 công ty thuộc tổng công ty Sonadezi, nên ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai đã yêu cầu báo chí không đề cập đến tổng công ty Sonadezi và cá nhân bà Đỗ Thị Thu Hằng. Theo ông, cách hành xử này có đúng?
Ý kiến như thế có thể đúng, nếu nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Long Thành là một pháp nhân đăng ký hoạt động độc lập. Một pháp nhân độc lập thì có toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình.
Nhưng cái sai nghiêm trọng nhất là ban Tuyên giáo Đồng Nai không có quyền yêu cầu báo chí đăng hay không đăng. Bảo vệ đại biểu Quốc hội cũng không phải là nhiệm vụ của ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Bà Hằng với tư cách là đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm về những vấn đề mà cử tri – nhất là cử tri địa phương của mình – đang bức xúc; trong tư cách là chủ tịch hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát các thành viên trong tổng công ty của mình (về cá nhân, cũng chính là chứng tỏ năng lực và khả năng có thể đảm đương chức chủ tịch hội đồng hay không).
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề là thông tin thế nào chứ không phải là chặn thông tin. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Báo chí là công cụ hiệu quả nhất để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin đầy đủ được Hiến pháp bảo vệ. Người dân vùng bị ô nhiễm và công luận có quyền nhận được đầy đủ thông tin trung thực để biết bà Hằng có xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri đã bỏ phiếu cho mình hay không? Có hoàn thành những trách nhiệm đã nói ở trên hay không? Và bà Hằng với tư cách chủ tịch hội đồng thành viên và tập đoàn Sonadezi ý thức về trách nhiệm pháp lý và đạo lý trong việc nhà máy xử thải vi phạm luật Bảo vệ môi trường đến đâu?…
Như vậy, rõ ràng bà Hằng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về công ty thành viên của bà, và về trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội với những vấn đề tại địa phương. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng việc yêu cầu không đề cập đến Sonadezi và bà Hằng đã “tạo ra một vùng cấm” khiến dư luận nghi ngờ có hiện tượng đang lợi dụng quyền lực vào mục đích riêng?
Việc một đại biểu Quốc hội có hoàn thành trách nhiệm hay không, cử tri sẽ đánh giá. Đánh giá thiết thực nhất là kỳ tới họ có bầu cho anh nữa hay không. Nguyễn Vân Nam |
Tôi cho rằng yêu cầu trên rõ ràng là khác thường, hoàn toàn bất lợi và làm mất uy tín của chính mình. Điều này cũng khiến người ta có cảm giác rằng vụ việc đã đi vào ngõ cụt, vì bà Hằng và tổng công ty Sonadezi đang tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm chỉ đạo cấp dưới nhanh chóng giải quyết bồi thường cho người dân.
Là người từng tham gia vụ Vedan, với diễn tiến của vụ việc này, ông nhìn nhận gì về vị thế của người dân?
Tôi cho rằng trong vụ việc này, người dân bị thiệt hại đang đứng ở vị thế yếu. Người dân vẫn còn phải chờ đợi, uỷ quyền chờ chính quyền giúp. Nhưng khó mà có được công bằng cho người dân khi một cơ quan nhà nước đại diện người dân lại “dàn xếp” với một đơn vị nhà nước đi đòi quyền lợi giúp. Thậm chí bảo vệ “nhà mình” đến mức ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cấp bách ra thông báo mà dư luận đã lên tiếng, thì chứng tỏ họ đã bị ở một sức ép nào đó.
Nhưng tôi cũng cho rằng, đáng tiếc là người dân chưa biết cách thực hiện quyền chính đáng của mình. Khi người dân bị thiệt thòi về quyền lợi thì đương nhiên có quyền kiện ra toà án. Mình là người thiệt thòi thì phải đi đòi, chứ sao lại để người khác đi đòi giúp.