Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kỳ lạ loài cá cạp... đá mà ăn Tin ảnh

(16:46:26 PM 26/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Những vệt màu đen sẫm loang lổ khá đều nhau, in rõ trên đá cuội dọc bờ sông đã khơi dậy sự tò mò: phải chăng ai đó đã khắc lên đây những dấu hiệu khi đi rừng? Nhưng sau nhiều lần để ý, qua làn nước trong tôi bất ngờ phát hiện những chú cá đang hì hục… cạp đá, tạo ra những “vết ăn” kỳ lạ.

Không sợ xấu mặt

 

 
Miệng cá nằm nép dưới chiếc mõm khá dài.

 Không giống như những loài cá ăn nổi có miệng nhô lên trên, môi dưới dài hơn môi trên (điển hình là cá rồng), cũng chẳng giống các loài ăn đáy có miệng nằm ngang, hai môi khá đều nhau (như cá chép), miệng cá lạ tôi bắt gặp có cấu tạo rất độc đáo. Miệng loài này nằm nép dưới chiếc mõm khá dài, trên mõm có những nốt sần kỳ dị. Hoá ra những nốt sần ấy có vai trò bảo vệ đầu cá khỏi bị thương tổn khi va vào đá trong dòng nước chảy xiết. Những nốt sần còn phát triển thành gai nhỏ ở con trống để chiến đấu với nhau khi tranh giành con mái vào mùa sinh sản...

 

Loài cá này có thân mình thon dài giống cá bống, giúp chúng thích ứng cao với việc bơi nhanh trong dòng nước chảy xiết ở khu vực thượng nguồn. Trong khi đó, hai vây ngực lại cong, nở rộng di chuyển về mặt ngực làm cho cá bám sát bề mặt đáy hơn. Để có thể cạo và hút rong rêu ở những hòn đá tảng hay nền đá, chúng có hai lỗ thở hẹp hai bên trên nắp mang, hai lỗ mũi ở gần hai mắt hơn so với các loài cá khác.

 

Nhận diện cá lạ

 

Khi đi gần bờ sông, suối nước trong chảy xiết, chúng ta rất dễ bắt gặp từng nhóm cá bám đá đua nhau gặm rong rêu trên những tảng đá lớn hay hòn đá cuội. Khi mực nước rút xuống thấp làm đá lộ ra, chúng ta sẽ thấy những vệt cong cong tương đối đều nhau và bề mặt đá rất sạch như vừa được ai đó cạo lớp rong rêu, đó chính là vết ăn của cá bám đá. Vết cạo nhỏ hay lớn tuỳ thuộc kích cỡ miệng cá.

 

Về gốc gác, loài cá kỳ dị này được định danh là cá bám đá hay cá sứt mũi – Gyrinocheilus thuộc họ cá ăn rong – Gyrinocheilidae

 

(Algae eaters), bộ cá chép Cypriniformes. Họ cá ăn rong có một giống và ba loài thuộc giống cá ăn rong – Gyrinocheilus. Họ cá này chỉ phân bố ở sông suối khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

 

Việt Nam đã ghi nhận sự hiện diện của loài cá bám đá hay cá may – Gyrinocheilus aymonieri ở các khu vực sông suối đồng bằng sông Cửu Long, sông Serepok, sông Sài Gòn, Đồng Nai...

 

Thức ăn chủ yếu của cá bám đá là tảo sợi, tảo bám, tảo nổi lắng đọng trên nền đá, đôi khi là ấu trùng hay sinh vật phù du bị bám lại…

 

Dưới sự “nhào nặn” tài tình của thiên nhiên, các loài sinh vật dần tiến hoá theo môi trường sống. Dù có ngoại hình sặc sỡ hay xấu xí, thậm chí kỳ dị thì loài nào cũng giữ một vai trò không thể thiếu trong mắt xích của tự nhiên. Cá bám đá cũng vậy.

 

Mõm cá có những nốt sần trông rất kỳ dị.

Thân mình thon dài giống cá bống giúp chúng thích ứng cao với việc bơi nhanh trong dòng nước chảy xiết.

Hai lỗ thở hẹp ở hai bên trên nắp mang và hai lỗ mũi ở gần hai mắt hơn so với các loài cá khác.

Vết ăn của cá bám đá in rất rõ trên những hòn đá cuội dọc sông, suối.

Bài và ảnh: Ngô Văn Trí ( Nhà nghiên cứu động vật)