Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tỉnh An Giang khẩn trương trồng được 1 triệu/3 triệu cây phân tán đợt 1/2012 để bảo vệ vững chắc đê bao vượt lũ cho vùng sản xuất 3 vụ/năm. -Ảnh minh họa
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: An Giang là tỉnh đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nên hàng năm đều bị lũ lụt gây thiệt hại về người, tài sản và quan trọng là sản xuất nông nghiệp là nền tảng chủ yếu trong việc phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó vụ thu đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm…Đặc biệt là từ thực tế mùa lũ 2011 đã làm sạt lở nhiều tuyến đê bao, nhưng không cung cấp kịp thời nhu cầu về cừ trảm khắc phục sự cố, hay mua với giá cao so với giá bán bình thường. Vì vậy trồng cây phân tán trên các tuyến đê bao vượt lũ đã ổn định là nhu cầu bức thiết hiện nay của tỉnh.
Đây là lần đầu tiên tỉnh chủ trương trồng cây trên tuyến đê bao vượt lũ đã ổn định mục đích tạo các đai rừng chắn sóng, hạn chế xói lở để bảo vệ vững chắc các tuyến đê bao vượt lũ vùng sản xuất 3 vụ/năm. Trong mùa lũ lụt nếu có sự cố bị vỡ đê sẽ tận dụng nguồn gỗ tại chỗ làm cọc trụ, kè chống phục vụ kịp thời, phòng cản lũ có hiệu quả, bảo vệ đê theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời còn nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán trong tỉnh lên 20,23% năm 2012; tạo cảnh quan bóng mát, phòng hộ môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; là nguồn gỗ gia dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Theo ông Nguyễn Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang: Kế hoạch năm 2012 tỉnh trồng 4,3 triệu cây phân tán bảo vệ đê bao vùng sản xuất 3 vụ/năm, trên 894,12 km thuộc 109/156 xã phường thị trấn trong tỉnh, trong đó chủ lực là bạch đàn chiếm 60%, tràm 30%, với tổng kinh phí thực hiện gần 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh được thực hiện trong 2 đợt.
Hiện nay Hạt Kiểm lâm các huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đang tiếp tục ươm giống để khẩn trương trồng hết kế hoạch đợt 1 từ tháng 5 - 7 gồm 3 triệu cây; giai đoạn I sau khi nước rút từ tháng 11 tháng 12 là 1,3 triệu cây và bàn giao cho chính quyền và nhân dân địa phương quản lý, chăm sóc, bảo vệ và khai thác.