Phát biểu tại buổi sơ kết chương trình “Gấu đỏ gắn kết yêu thương” diễn ra tại trụ sở Bộ LĐ&TBXH, ông Trần Bảo Minh - Phó TGĐ Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu đã trả lời nhiều chất vấn liên quan đến việc sản phẩm mỳ "Gấu yêu", được quảng cáo là dành cho trẻ em, không đảm bảo tiêu chuẩn “3 không”: không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản và chất điều vị vừa được Trung tâm Khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng phân tích.
Mỳ Gấu yêu quảng cáo không sử dụng chất điều vị và chất bảo quản, nhưng sự thật như thế nào?
Theo đó, trong khi Á Châu không tính đến việc mời một cơ quan độc lập phân tích lại các thành phần sử dụng trong mỳ "Gấu yêu", thì công ty này lại muốn "xem xét mời cơ quan công an vào cuộc điều tra" việc... ai đã đưa sản phẩm này đi phân tích.
Theo lý luận của ông Trần Bảo Minh, chỉ có Cục ATVSTP mới "có quyền xét nghiệm và công bố kết luận kiểm tra". " Với 2 sự việc xảy ra liên tiếp với sản phẩm mỳ Gấu đỏ và Gấu yêu, có thể chúng tôi sẽ xem xét mời cơ quan Công an vào cuộc điều tra để làm rõ mục đích hành động này là gì? Ai là người đứng đằng sau? Để đưa sản phẩm ra thị trường là việc rất khó khăn, nên việc ai đó tự ý lấy sản phẩm của chúng tôi đi xét nghiệm có thể coi là việc rất bất bình thường", ông Minh nói.
Tuy nhiên, thay vì giải thích chi tiết việc kết luận phân tích này thiếu chính xác ở những điểm nào, ông Minh chỉ khẳng định các chỉ số ghi trên bao bì sản phẩm đều nằm trong mức cho phép.
Trước đó, một tờ báo đã dẫn thông tin từ kết quả phân tích của Trung tâm Khoa học Công nghệ sắc ký Hải Đăng cho thấy, mỳ Gấu yêu đã sử dụng 2 loại chất Disodium Inosinate và Disodium Guanylate là 8,38g/1kg và hàm lượng bột ngọt (monosodium glutamate) là 0,49%. Đây là các chất điều vị có tên trong danh mục của Bộ Y tế.
Đồng thời, mặc dù quảng cáo không sử dụng chất bảo quản, nhưng trên bao bì sản phẩm Gấu yêu lại có hai thành phần muối phosphate (451i, 452i) là Pentasodium triphosphate - thường được sử dụng như chất bảo quản trong hải sản, thịt, gia cầm, thức ăn chăn nuôi và Sodium polyphosphate - được dùng thay thế hàn the trong bảo quản thực phẩm.
Mặc dù tất cả các chất nêu trên đều có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, nhưng việc này được cho là trái với tuyên bố của Á Châu đối với sản phẩm mỳ Gấu yêu, sản phẩm được quảng cáo là "3 không" và dành cho trẻ em.
Câu chuyện quảng cáo này của Á Châu gợi lại một chiêu bài khác đã được Masan sử dụng với mỳ Tiến vua không sử dụng E102, loại phẩm màu được Masan cho là độc hại. Tuy nhiên, các quy định hiện hành đều cho thấy E102 không hề độc hại nếu dùng với tỷ lệ đúng quy định và được dùng phổ biến trong sản xuất và chế biến thực phẩm không chỉ ngành mỳ. Thông điệp mà Masan đưa ra về "phẩm màu độc hại" đã bị các doanh nghiệp ngành mỳ phản ứng dữ dội, cho rằng đó là chiêu thức kinh doanh không lành mạnh, có thể làm tổn hại đến cả một ngành hàng và đưa đến người tiêu dùng một thông điệp sai sự thật.
Mỳ Omachi "khoai tây" sử dụng E102, một "case study" đối với Gấu yêu?
Tệ hơn, các sản phẩm đang lưu hành của Masan vào thời điểm đó như mỳ Tiến vua (loại cũ) và mỳ "khoai tây" Omachi đều sử dụng E102.
Liên quan đến mẩu quảng cáo gây tranh cãi của mỳ "Gấu đỏ", lãnh đạo Á Châu cũng cho biết họ sẽ cân nhắc việc sử dụng hình ảnh quảng cáo mới phù hợp hơn thay thế cho clip quảng bá chương trình “Gấu đỏ gắn kết yêu thương”.
Tuy bố này được đưa ra sau khi dư luận có nhiều ý kiến cho rằng Á Châu đã sử dụng chiêu bài kích cầu bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng, cũng như dùng một em bé khỏe mạnh để minh họa cho một bệnh nhân ung thư "chờ chết". Tuy nhiên, ông Minh cũng không đưa ra mốc thời gian thay thế.
Đến nay, theo lãnh đạo Á Châu, công ty đã giúp đỡ thu được 1,7 tỷ đồng thông qua chương trình này, bao gồm 1,5 tỷ do người tiêu dùng đóng góp, để giúp đỡ các bệnh nhân trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Phép tính số học đơn giản dựa trên con số 1,5 tỷ này cho thấy, Á Châu đã đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng với 150 triệu gói mỳ được bán hết veo sau gần 3 tháng.