Mỗi kỳ họp QH, một năm hai lần, mỗi lần một tháng, là một lần cử tri và nhân dân dồn sự chú ý vào cơ quan quyền lực cao nhất nước. Không phải chỉ vì những nội dung chính thức QH sẽ bàn, mà phần nhiều vì những vấn đề nóng trong xã hội được đưa vào nghị trường.
Còn nhớ trong thời gian diễn ra kỳ họp QH cuối năm 2008, một số ĐBQH đã lên tiếng về chuyện… các em học sinh từ mầm non tới phổ thông không dám đi vệ sinh vì không có, thiếu hoặc có mà nhà vệ sinh quá bẩn. Ai mà nghĩ nhà vệ sinh trường học cũng là vấn đề mà QH phải bàn?
Đại biểu khóa 12 Nguyễn Minh Thuyết trong vòng vây báo chí bên hành lang QH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
QH có thể không phải bàn những chuyện như vậy, nhất là khi chương trình nghị sự chính thức đã rất căng thẳng với nhiều đầu việc quan trọng. Nhưng các ĐB đã lên tiếng, vì qua phản ánh của báo chí, họ thấy có những chuyện dân sinh bức xúc mà họ không thể không lên tiếng. Bên cạnh nhiệm vụ làm luật, giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, họ, đầu tiên và trước hết, là người phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Chuyện nhỏ đã thế, còn bao nhiêu chuyện lớn khác vốn dĩ không có trong nghị trình cũng đã nóng lên ở hành lang hội trường. Từ những băn khoăn của giới khoa học và người dân về tham vọng điện hạt nhân, những cảnh báo về tình trạng cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn, những thắc mắc xung quanh lỗ lãi của các tập đoàn, tổng công ty…, đến những chuyện đau đầu trong cuộc sống hàng ngày như ùn tắc giao thông, lương không theo kịp giá, xăng dầu tăng nhanh giảm chậm…
Từ những câu hỏi ráo riết của báo chí nơi hành lang, những vấn đề đó đã đi vào hội trường qua phát biểu của các ĐB, đặc biệt tại những phiên chất vấn rất được mong đợi mỗi kỳ họp.
Đằng sau những “cú sốc” như “bác” dự án đường sắt cao tốc và “bác” dự thảo luật Thủ đô, những tranh luận sôi nổi bên tách trà và bánh ngọt giờ giải lao bên hành lang, theo nghĩa đen, cũng có vai trò quan trọng không kém gì những lý lẽ được phát biểu không quá 7 phút trong hội trường.
Tuy vậy, theo quy định mới nhất do trung tâm báo chí phục vụ kỳ họp thứ 3 của QH thông báo, phóng viên được đề nghị không thực hiện phỏng vấn ĐB tại các hành lang hai bên và hành lang phía sau của hội trường Bộ Quốc phòng (nơi QH đang tạm thời làm việc). Muốn phỏng vấn, phóng viên cần mời ĐB vào phòng riêng tại tầng hai của khu hội trường.
Khu vực trả lời phỏng vấn này cách biệt các hành lang của hội trường và nơi giải lao của đại biểu bằng một cầu thang khá dài. Trong khi thời gian nghỉ giải lao của ĐB chỉ dài 20 phút.
Thông thường, 20 phút này được nhiều ĐB dành để trả lời báo chí, là lúc họ bày tỏ ý kiến cá nhân, phân tích, chẻ nhỏ, mổ xẻ, lật qua lật lại những vấn đề mà họ tự tin phát biểu trong lĩnh vực chuyên môn. Đó có thể là một vấn đề đang tranh cãi dai dẳng lâu nay, hoặc một vấn đề mới xuất hiện ngày hôm trước nhưng đã kịp gây sóng gió trong dư luận.
Nhiều phát biểu ở hành lang nghị trường đã trở thành nổi tiếng, nhiều ĐB đã được cử tri biết mặt, nhớ tên bởi sự thẳng thắn, hiểu biết và trách nhiệm của họ trong những câu trả lời báo chí bên lề các buổi họp. Đôi khi một câu trả lời của một ĐB với một phóng viên có thể mở ra một hướng đi mới cho một vấn đề đang vướng mắc, nếu đó là một câu trả lời đầy đủ, không bị chen ngang, ngắt quãng, cản trở.
Một nửa câu trả lời không phải là một câu trả lời. ĐBQH không thể chỉ trả lời nửa câu, QH không thể chỉ trả lời nửa câu. Cử tri, thông qua báo chí, có quyền hỏi những câu hỏi đầy đủ và nhận những câu trả lời đầy đủ. Nếu không, QH sẽ đánh mất “sức nóng hành lang” mà trong những năm gần đây đã trở thành thương hiệu, và như nhiều ứng viên độc lập chia sẻ, là yếu tố động viên họ tự ứng cử.
Trước thềm kỳ họp lần này, tổng hợp ý kiến cử tri gửi QH cho thấy dân đang băn khoăn, lo lắng rất nhiều về đời sống khó khăn, khiếu kiện đất đai gay gắt, các giải pháp giao thông bế tắc, tham nhũng còn tràn lan… Những vấn đề này chưa bao giờ hết nóng trong dư luận cũng như sức nóng đó đã tràn vào hành lang nghị trường.
Nếu có một diễn đàn nào dân mong càng nóng càng tốt thì đó chính là QH. Dân không mong QH bị nguội. Để được vậy, hẳn các ĐB cũng thể tất cho việc giờ giải lao ngắn ngủi của họ bị “lợi dụng”.