Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kinh hãi cách đối xử với loài voọc

(17:28:00 PM 22/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Chuyện bắt đầu từ một cuộc gọi lúc nửa đêm về sáng của anh N.V.Tứ, ngụ phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM.

 

Đầu dây bên kia, anh Tứ giãi bày căn nguyên của cuộc gọi với tâm trạng phẫn nộ: “Xin lỗi vì đã làm phiền nhưng tôi không thể chịu đựng được.


Tôi thấy có những người sao mà bạo tàn, nhẫn tâm quá. Khi nhìn vào tấm hình mà tôi gửi, tin rằng anh sẽ kinh hãi. Nó là tội ác đỉnh cao mà chỉ có những kẻ máu lạnh, vô cảm mới có thể trực tiếp ra tay, hoặc gián tiếp chi tiền để đạt được điều mình muốn!”.

Anh Tứ hiện đang công tác tại một công ty lữ hành có trụ sở tại khu phố Tây, đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên anh "thu nạp" khá nhiều chuyện trái khoáy.

Tấm hình mà anh Tứ gửi lúc nửa đêm về sáng quả là rùng rợn. Nó phơi bày tình cảnh đáng thương của một con voọc bị nhồi trong lọ thủy tinh với hộp sọ bị chẻ ngang, tứ chi bị bẻ quặt, co quắp và kinh khủng nhất là nó bị người ta lột da phô bộ xương đẫm máu.

Anh Tứ bật mí: tấm hình trên được một người em của anh "săn" được tại tư gia của một quý ông khả kính làm trong ngành xây dựng vốn rất ham hố chuyện gối chăn: "Em tôi là lính của ông này. Nghe nó nói con voọc trong tấm ảnh là voọc cái, đang mang thai. Trước khi bị phanh thây, nó bị ông nọ cho người chẻ sọ lấy óc ăn cho bổ não. Sau đó thì nó bị rạch bụng, rồi bị lột da lấy xác ngâm rượu cùng một số loại cây thuốc đặng thành… rượu tăng lực".

Man rợ với thú bổ dưỡng thịt voọc

Hình ảnh thê lương của con voọc bị người ta chẻ sọ, rạch bụng lấy bào thai, lột da đem ngâm rượu. 


Tấm hình máu me của anh Tứ về con voọc xấu xố kia đã lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về những thú ăn chơi phi nhân tính của những kẻ lắm tiền. Đồng thời là thông điệp buồn về số phận của loài voọc vốn dĩ hiền lành, thông minh, rất gần với con người mà không ít ý kiến cho rằng là "anh em của loài người".

Từ tình cảnh thê thảm của con voọc mà anh Tứ gửi, người viết xâu chuỗi các sự kiện và không khỏi hãi hùng trước sự tàn bạo của con người với muông thú, đặc biệt với loài voọc.

Đã từng theo chân những toán thợ săn voọc ở rừng Hòn Hèo (bán đảo Hòn Hèo, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và mục kích cảnh họ lạnh lùng giương súng ngắm bắn voọc, và cứ sau tiếng nổ xé toạc rừng xanh của cánh thợ săn, người viết chứng kiến màn chết thảm của "anh em loài người".

Còn nhớ 6 năm trước, sau khi bị gã thợ săn tên Thưởng tuổi mới ngoài 30 luôn vỗ ngực khoe chiến tích hạ cả trăm con voọc, hạ gục bằng phát súng chí mạng ở khoảng cách 150m, con voọc chà vá chân đen đang nhởn nhơ ăn lá cây rớt xuống.

Gã thợ săn hân hoan tiến đến thu hoạch chiến lợi phẩm và mừng rỡ khi thấy mình "hạ 1 nhưng được 2". Đó là con voọc con chết thảm sau cú rơi chí mạng, miệng còn ngậm chặt vú mẹ. Con voọc mẹ bị súng bắn thủng sọ, óc văng tung tóe nhưng theo bản năng làm mẹ luôn chở che cho con đã ôm chặt voọc con không rời.

Một lần khác, vào giữa năm 2011, người viết đến rừng Nam Cát Tiên (Vườn Quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) ghé thăm những người giữ rừng ở Trạm Kiểm lâm Đất Đỏ (xã Tà Lài) khi các anh vừa lập chiến công bắt đối tượng săn gần chục con voọc tại vùng rừng thuộc quyền quản lý của mình.

Hôm ấy, nói về cuộc chiến chống phường sơn tặc - cơn ác mộng của rừng già và thú hoang, trong đó có loài voọc, những người giữ rừng đã kể rất nhiều chuyện đau lòng về tình cảnh chết thảm của dòng giống nhà voọc!

Có voọc mẹ trúng bẫy chết thảm nhưng voọc con vẫn bám riết lấy mẹ chẳng rời. Khi những nhân viên kiểm lâm đến hiện trường thì voọc con vì đói và kiệt sức mới vừa "lìa đời", xác hãy còn rất ấm. Thì ra voọc con vì thương mẹ, nên khi mẹ bị thương đã chẳng rời. Đến khi voọc mẹ chết, chẳng biết bấu víu vào đâu nên voọc con vẫn quanh quẩn bên xác mẹ cho đến khi gục… chết!

Câu chuyện buồn khác liên quan đến một đôi voọc trúng bẫy tại vùng rừng Đất Đỏ. Thương voọc cái trúng bẫy nên con voọc đực loay hoay tìm cách giải thoát nhưng không được. Voọc cái chết, voọc đực đau đớn lẩn quẩn bên xác vợ để rồi phải trả giá cho sự thủy chung ấy bằng phát đạn trúng ngay tam tinh của gã thợ săn.

Nghe tiếng súng nổ, đang tuần rừng gần đó, những người giữ rừng vội lao đến hiện trường. Bị động, cánh phường săn tháo chạy, bỏ lại xác con voọc đực chung tình tung tóe máu bên xác vợ đang phân hủy!

Man rợ với thú bổ dưỡng thịt voọc

Đối tượng săn voọc bị bắt giữ tại Trạm Kiểm lâm Đất Đỏ; vô số xác voọc bị chặt đầu, lột da, mổ bụng được tìm thấy trong một đợt truy quét của Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng. 


Kể những điều trên, người viết muốn minh chứng và gửi gắm thông điệp rằng, loài voọc có trí khôn, có ân tình, có tình mẫu tử không thua kém gì loài người, rất gần với loài người. Ấy là nói về mặt ân tình, còn về hình dáng bên ngoài và tập tính sinh học, cái sự "rất gần", "rất giống" ấy không quá xa. Bằng chứng là voọc cũng có tứ chi, có trí khôn đặc biệt, có những biểu hiện hỉ-nộ-ái-ố không kém gì loài người. Và cụ thể hơn, voọc cái sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ…!

Voọc, mà đặc biệt là voọc chà vá từng được gặp nhiều ở vùng núi Trung Bộ, từ Thanh Hóa dọc theo dãy Trường Sơn cho tới các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh. Chẳng rõ con voọc trong tấm hình bi thương kia mà anh Tứ chụp có nguồn gốc từ cánh rừng nào? Ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên hay Bình Dương, Tây Ninh? Nhưng điều rõ nhất là nó chết một cách thê thảm.

Sau này, khi xem tấm hình máu me rùng rợn ấy, Linh, một con buôn lâm sản, nay đã giải nghệ quả quyết nhiều khả năng con voọc này bị lột da lúc còn sống. Linh nói: "Nếu người ta gây mê thì còn đỡ cho nó, chứ nếu không thì đúng là bi kịch".

Bi kịch mà Linh đề cập tương tự tâm tình của anh Tứ. Nghĩa là tay đao phủ sẽ cắt ngay động mạch ở yết hầu con vật cho máu phun xối xả vào hũ, màu rượu từ trắng dần chuyển sang hồng. Sau đó họ sẽ rạch bụng lấy túi mật, moi cả trái tim còn đập thoi thóp của nó chế biến món ngon cho vị thực khách hám mạnh hám sung.

Tiếp đến người ta sẽ không ngần ngại rạch cái bụng nó lấy bào thai hoặc đem ngâm rượu, hoặc chưng thuốc bắc cho tay chơi sành ăn ẩm thực… "Ấy là với voọc cái, nếu là voọc đực, người ta trước tiên sẽ vạt sọ lấy óc nó ăn như kiểu ăn óc khỉ. Nhưng quý nhất của voọc đực là 2 tinh hoàn của nó. Tiếng đồn ai đó uống rượu ngâm tinh hoàn voọc thì bản lĩnh đàn ông sẽ vời vợi, có thể hăng như voọc chúa, dư sức cai quản, phục vụ cả binh đoàn thê thiếp" - Linh, bật mí!

Nói chung, để được tẩm bổ từ máu, tim, mật, óc, bào thai, lấy xương ngâm rượu hoặc ninh cao… người ta tin rằng phải mổ xẻ voọc lúc nó còn sống. Có như vậy thì các cơ phận của nó mới phát huy sức mạnh dược tính. Và vì người ta có niềm tin như vậy nên nhiều năm qua, đã có rất nhiều con voọc chết thảm dưới họng súng và những suy nghĩ bạo tàn từ phía loài người!

Theo Sách đỏ Việt Nam, voọc chà vá như các loài anh em khác của nó như voọc đen, voọc mũi hếch… mỗi năm chỉ đẻ 1 con và loài voọc nói chung là loài thú hoang bị loài người săn lùng, giết hại bạo tàn nhất. Và cũng vì bị người ta tích cực truy sát, đặc biệt là việc họ dồn tâm điểm chú ý vào những con voọc lúc bụng mang dạ chửa, hay những voọc mẹ đang nuôi con nhỏ với suy nghĩ "sát 1 được 2", bán được nhiều tiền vì khách ưa chuộng… nên loài voọc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vấn đề ở chỗ chúng có xứng đáng bị như vậy?

Trong cuốn Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc, TS Võ Văn Chi ghi rằng: người ta săn bắn voọc để lấy thịt làm thực phẩm, lấy xương nấu cao như các loại cao khỉ. Mà công dụng của cao khỉ nếu so với cao trăn, cao hổ cốt, cao ban long… thì độ oai phong, lẫm liệt kém xa.

Y văn chỉ đề cập thế thôi, chẳng tìm đâu ra những đoạn "khen" rằng bào thai, não, thịt xương của voọc có tác dụng bài thải độc chất hay cải lão hoàn đồng, như người ta đồn đại và tin tưởng. Càng không có đoạn đề cập đến chuyện muốn dùng voọc cho tốt thì phải lột da róc thịt, mổ bụng lấy bào thai lúc con vật còn sống… như lâu nay người ta vẫn xuống tay một cách bạo tàn với dòng giống loài voọc.

Nói như thế có nghĩa là nhiều, rất nhiều con voọc đã phải chết oan bởi sự độc ác và suy nghĩ ấu trĩ của con người. "Bây giờ, ai cũng biết, nhất là cánh phường săn đều rất rõ vào rừng săn voọc là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm. Những năm qua, đã có nhiều kẻ sát hại voọc bị xử án tù.

Biết bị xử lý nghiêm, bị phạt tù nhưng người ta vẫn hăng hái vác súng vào rừng khạc đạn. Ngông cuồng như thế chỉ có thể vì lý do duy nhất: voọc bán được giá, được nhiều tiền nên người ta bất chấp… hậu quả.

"Khi đi săn voọc, nếu voọc chết, phường săn sẽ sấy khô, đào hố phủ lá cây, rồi cứ thế tiến sâu vào rừng, khi nào đủ sở hụi thì quay trở ra. So với hàng tươi sống thì voọc chết giá chỉ rẻ bằng 1/3, thậm chí bằng 1/4. Do đó, thợ săn tìm cách bắt sống voọc" - Khả, một con buôn đồ rừng ở "chợ" thịt rừng đường Phạm Viết Chánh, quận 1, tiết lộ!

Theo tâm tình của Khả, thật vô phước cho con voọc nào chẳng may dính bẫy của cánh phường săn. Bởi nếu trúng phát đạn, dẫu có máu me, dẫu óc văng loạn xạ nhưng con voọc sẽ khép lại quãng đời tự do của nó một cách nhanh chóng.

"Nhưng nếu nó còn sống, thì đó quả là thảm họa. Bởi nếu không bị người ta phanh thây, vạt sọ lấy não lúc còn sống thì con vật sẽ bị người ta cầm tù, nghĩa là bị nuôi nhốt nhiều năm trời trong chiếc cũi chật hẹp để "làm trò lạ mắt thứ đồ chơi". Và sau khi thỏa mãn thú vui cầm tù ấy, chắc rằng chủ nhân của con voọc sẽ trổ màn cuối, hoặc bán nó cho ai đó có nhu cầu xương cốt, mật, óc hoặc chính họ sẽ khoái trá trước hình ảnh con vật nuôi của mình bị tay đao phủ nào đó phanh thây - chẻ sọ!

Câu chuyện buồn của loài voọc như chuyện buồn của loài gấu, loài voi, cọp…, nghĩa là chết thảm, là "quân số" tàn lụi thê thảm vì sự độc ác của con người. Nhưng có lẽ, so về "nỗi đau" thì "thân phận" của voọc lâm li bi đát hơn các loài kể trên. Bởi cơ phận của gấu, cọp, voi… y học cổ truyền ít nhiều đề cập, ít nhiều có tác dụng này tác dụng nọ, còn voọc thì chẳng nhằm nhò gì. Vậy nhưng chúng vẫn bị truy sát đến tuyệt diệt, hỏi sao không đau?

Mặt khác, gấu, cọp, voi là loài mãnh thú, khi bị truy sát hụt, với sức mạnh kinh hồn và bản năng giống loài, chúng có khả năng tự vệ, truy sát, trả thù kẻ tìm cách sát hại mình. Còn voọc, chúng bé xíu, là loài vô hại, khi bị con người ta dồn vào bước đường cùng, chúng chỉ biết chờ chết. Một con vật hiền lành đến tội nghiệp như thế nhưng bị người ta cài bẫy đến bò tót nếu sa lầy cũng bó chân, bị hàng trăm họng súng chực chờ… hạ sát, hỏi sao không chua xót, phẫn nộ?!

Và, vì cái cách mà con người ta đối với con vật rất gần gũi loài người cũng như không có bản năng tự vệ một cách tàn độc như thế, nói hành vi ấy còn hơn loài ác thú… liệu có quá lời?!

Theo VTC News