Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bến Tre sẽ thành lập đội đặc nhiệm "bảo vệ" môi trường

(08:59:23 AM 22/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Năm 2006, người dân thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre) khấp khởi mừng khi UBND tỉnh quyết định sẽ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi thị xã.

Con rạch phía sau cơ sở Hương Dừa ở xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre bị ô nhiễm nặng - Ảnh: Hiền Trần

 

Thế nhưng từ đó đến nay, các doanh nghiệp nằm trong danh sách “đen” vẫn chưa được di dời và danh sách này ngày càng dài thêm khiến người dân vô cùng bức xúc.

 

Thời điểm năm 2006, TP Bến Tre có 129 doanh nghiệp nằm trong danh sách “đen” nhưng đến tháng 5-2012 đã tăng lên thành 147 doanh nghiệp. Hầu như ngày nào người dân ở các phường, xã của TP Bến Tre cũng kêu ca chuyện doanh nghiệp xả nước thải, khói bụi, mùi hôi làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

 

Ô nhiễm tràn lan

 

Nhiều năm nay, người dân ở khu phố 2, P.7, TP Bến Tre khốn khổ vì mùi hôi nồng nặc, tiếng ồn từ những cơ sở sản xuất kẹo dừa. Mùa khô, nước trong mương, rạch bốc mùi hôi thối khiến nhiều người mắc bệnh hô hấp. Các cơ sở này còn thải bụi, khói khiến không khí lúc nào cũng ô nhiễm. Tại những nơi chưa có nước máy, người dân phải dùng nước sông, rạch nhưng gần đây nước thải từ các cơ sở này đã “nhuộm đen” các con rạch.

 

 

"Hiện nay đơn vị chưa có máy đo khí thải để xác định mức độ ô nhiễm nên chưa xử phạt các cơ sở sản xuất về hành vi này"

Đại diện Phòng Tài nguyên - môi trường TP Bến Tre

Bà con ở ấp Mỹ An B, xã Mỹ Thạnh An cho biết nước sông, rạch ở đây không còn sử dụng được kể từ khi hai cơ sở sản xuất thạch dừa, kẹo dừa, tắc xí muội quy mô lớn đi vào hoạt động. Tại đây có doanh nghiệp tư nhân Hoài Cổ chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng sau đó vẫn cứ xả thải gây ô nhiễm (theo UBND TP Bến Tre).

 

 

Giữa tháng 5 này, chúng tôi có mặt tại khu vực xã Mỹ Thạnh An và thấy nước mương, rạch ở đây đen ngòm, bốc mùi. Ông Nguyễn Dũng ở tổ 11 cho biết: “Mùa mưa chúng tôi hứng nước mưa dùng nhưng đến mùa khô phải bấm bụng dùng nước rạch. Tội nhất là mấy đứa trẻ không biết gì cứ vô tư nhảy xuống rạch tắm khiến khắp người ngứa ngáy nổi mẩn đỏ”. Còn bà Nguyễn Thị Thu Vân, một người dân ở đây, than nước sông, rạch ô nhiễm đến nỗi cá nuôi chết hết.

 

Chỉ 35% cơ sở có xử lý nước thải

 

Theo thống kê của UBND TP Bến Tre, trong số 147 cơ sở đang hoạt động chỉ 52 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải (35%). Thế nhưng việc xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của cơ quan chức năng giống như muối bỏ biển. Năm tháng đầu năm nay, qua kiểm tra 79 cơ sở chỉ xử phạt 12 cơ sở vi phạm. Công ty Thuốc lá Bến Tre đã được Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ 6,5 tỉ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, nhưng hiện chỉ xử lý nước thải, còn khí thải và bụi thì... vô tư xả ra môi trường. Bà Phùng Thu Loan (nhà ngay phía sau Công ty Thuốc lá Bến Tre) nói suốt ngày gia đình bà phải đóng kín cửa để tránh hít không khí ô nhiễm.

 

Ông Bùi Minh Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Bến Tre, cho biết đoàn kiểm tra môi trường thừa nhận có tình trạng thông tin kiểm tra bị rò rỉ tới các doanh nghiệp trước khi đoàn đến. Bằng chứng là có một số doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động, đến khi nghe tin có đoàn kiểm tra tới thì đấu nối vào vận hành cho đoàn thấy. Đoàn ra về họ lại xả nước thải trực tiếp ra sông, rạch. Theo ông Tuấn, để hạn chế nạn doanh nghiệp đối phó với đoàn kiểm tra và nạn rò rỉ thông tin, UBND TP Bến Tre vừa quyết định thành lập đội “đặc nhiệm” kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, đội này sẽ được triệu tập đột xuất để kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp có dấu hiệu gây ô nhiễm từ phản ảnh của người dân.

 

Năm 2013 sẽ di dời các doanh nghiệp gây ô

 

Năm 2006, UBND tỉnh Bến Tre ban hành đề án xử lý, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội ô thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre). Năm 2008, HĐND tỉnh Bến Tre ban hành nghị quyết bổ sung nhiệm vụ và biện pháp để tiếp tục thực hiện đề án này. Đến năm 2009, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu di dời các cơ sở này vào cụm công nghiệp tập trung bên cạnh sông Hàm Luông và dự kiến cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, sau đó có nhiều ý kiến cho rằng khu vực này nằm ngay trung tâm TP Bến Tre sẽ tiếp tục gây ô nhiễm nên UBND tỉnh hủy bỏ quy hoạch này và yêu cầu chọn một địa điểm khác. Sự nhùng nhằng này đã khiến kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm giậm chân tại chỗ.

 

Ông Bùi Minh Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Bến Tre, cho biết tỉnh ủy đã thống nhất chọn khu vực 30ha ở xã Phú Hưng, TP Bến Tre để quy hoạch khu công nghiệp tập trung. Dự kiến cuối năm 2012 sẽ hoàn tất quy hoạch và năm 2013 sẽ di dời hết các doanh nghiệp gây ô nhiễm vào đây.

HIỀN TRẦN - NGỌC HẬU/TTO