Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Theo ông Lê Đức Chung, chuyên gia Dự án Phát triển bền vững và Biến đổi khí hậu-Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chiến lược Tăng trưởng Xanh sẽ là định hướng để điều chỉnh các chiến lược và quy hoạch phát triển các ngành liên quan. Để xây dựng Chiến lược, Ban Soạn thảo đã được thành lập do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban và 7 Thứ trưởng các Bộ liên quan làm thành viên. Chiến lược có 3 nhiệm vụ chính, đó là Xanh hóa sản xuất thông qua nâng cao hiệu quả các ngành hiện có và tạo ra ngành “sản xuất xanh” mới; giảm phát thải khí nhà kính theo cường độ phát thải trên đơn vị GDP, tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo; Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Đầu tư cho tăng trưởng Xanh sẽ là chủ đề quan trọng trong Chiến lược tăng trưởng Xanh giúp cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bao gồm đầu tư vào sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, kể cả thông qua các giải pháp hỗ trợ và quản lý để nhanh chóng thu được kết quả; đầu tư vào vốn tự nhiên sẽ tạo ra được nhiều việc làm, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế bền vững cho người dân khu vực nông thôn; đầu tư công cần đi trước 1 bước làm đòn bẩy cho các dòng đầu tư vào các lĩnh vực “xanh”.
Đồng thời, cần xem xét điều chỉnh chính sách thu hút và sử dụng các nguồn ODA, FDI, nguồn trong nước với các hình thức đa dạng tiếp cận dự án, chương trình, ngành, công tư hợp tác; tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế thị trường, xem xét dỡ bỏ những khoản tài trợ năng lượng, nhiên liệu không có lợi cho sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên.
Một loạt nghiên cứu, điều tra và tham vấn khu vực của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy, nền kinh tế “Xanh” ngày càng được quan tâm khi mà mô hình kinh tế hiện nay chỉ dựa vào tăng trưởng GDP, đã dẫn đến phân bổ sai tổng vốn và phân phối không công bằng của cải. Điều đó còn chưa tính đến những rủi ro tăng cao, những cú sốc, khan hiếm và khủng hoảng cố hữu trong nền kinh tế "nâu" thải nhiều các-bon, làm suy giảm tài nguyên và nhiều nghiên cứu khoa học coi đó là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Báo cáo của UNEP cũng chỉ ra rằng, cần đầu tư khoảng 2% GDP toàn cầu vào nông nghiệp, năng lượng, xây dựng công trình, nước, lâm nghiệp, thủy sản, chế tạo, chất thải, du lịch và vận tải, để khởi động cho bước chuyển từ nền kinh tế “nâu” vốn đang gây ô nhiễm môi trường và không hiệu quả sang nền kinh tế “xanh”. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế toàn cầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững hơn, mà sẽ duy trì tăng trưởng dài hơn so với các kịch bản kinh doanh như thông thường hiện nay.
Kinh tế “Xanh” sẽ tạo nhiều việc làm trong nông nghiệp, sản xuất, nghiên cứu và phát triển, hoạt động hành chính và dịch vụ đóng góp đáng kể để bảo tồn, khôi phục lại chất lượng môi trường. Qua đó giúp bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, giảm tiêu thụ năng lượng, vật liệu và nước thông qua các chiến lược hiệu quả cao, giảm phát thải các-bon cho nền kinh tế và giảm thiểu, hoặc tránh hoàn toàn tất cả các hình thức chất thải và ô nhiễm.
Như vậy, trong ngắn hạn sẽ có lao động trong một số ngành như thủy sản bị giảm việc làm, đây là điều không thể tránh khỏi khi nền kinh tế tái cấu trúc theo hướng nâng cao tính bền vững. Nhưng trong dài hạn số lượng việc làm mới được tạo ra từ các lĩnh vực khác nhau, từ sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả cho đến nông nghiệp bền vững hơn, sẽ bù đắp vào số bị mất việc từ nền kinh tế "nâu".
Tại Việt Nam, sau nhiều năm duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao khoảng 7%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, mức sống của người dân được nâng cao. Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, trong bối cảnh quốc tế đang đối mặt với suy thoái tài chính, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, phát triển kinh tế ở trong nước chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, hiệu suất, hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Dó đó việc tái cấu trúc, thay đổi mô hình tăng trưởng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế nước ta đang là yêu cầu cấp bách hiện nay.