Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Huyện Phước Sơn của Quảng Nam nổi tiếng cả nước với mỏ vàng trữ lượng lớn. Theo thống kê trên địa bàn huyện hiện có 15 công ty, đơn vị được cấp phép khai thác vàng, đặc biệt, năm 2011 nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa đi vào hoạt động. Nhà máy được thiết kế để xử lý tuyển 120.000 tấn quặng nguyên khai mỗi năm và có khả năng nâng công suất lên 350.000 tấn/năm. Mỗi năm, từ quá trình tuyển vàng tại đây, hơn 1 tấn vàng ròng được xuất sang Thụy Sĩ. Đây cũng là khu mỏ có hàm lượng vàng cao nhất Việt Nam với trữ lượng trung bình là 10 gam trên một tấn quặng.
Trong vài năm trở lại đây, Phước Sơn là một trong 5 huyện thu vượt ngân sách của tỉnh Quảng Nam. Tổng thu ngân sách của huyện năm 2011 hơn 393 tỷ đồng, trong đó thu phát sinh kinh tế hơn 196 tỷ đồng, chủ yếu vẫn là thu từ hoạt động khai thác khoáng sản. Nhưng theo phân cấp hiện nay, toàn bộ nguồn thu đó thuộc về ngân sách cấp trên, huyện chỉ được tỉnh phân bổ lại theo ngân sách cấp hàng năm. Vì thế Phước Sơn vẫn là một trong những huyện nghèo của cả nước, nằm trong chương trình hỗ trợ đặc biệt 30a của Chính phủ, với tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 64,5%.
Tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Phước Kim (88%) Phước Thành (84,5%), Phước Lộc (84%), Phước Chánh (82%)…đều rải rác có các công ty vàng được cấp phép, chưa kể các đơn vị, cá nhân khai thác vàng trái phép tồn tại. Tuy nhiên, việc hỗ trợ của công ty đối với địa phương không bao nhiêu và thực hiện dưới hình thức nghĩa vụ là chính, không giúp được gì nhiều cho người dân và địa phương. Thêm vào đó lại nảy sinh những hệ lụy như ma túy, mại dâm và bất cập về an ninh trật tự do đội ngũ công nhân, phu vàng về xã đông đúc…
Theo ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, việc chia sẻ lợi ích của địa phương trong lĩnh vực khoáng sản và thuỷ điện hiện nay là chưa phù hợp. Huyện cũng đã kiến nghị Trung ương và tỉnh nghiên cứu lại việc phân chia lợi ích cho phù hợp, nhất là các vùng có dự án, để hỗ trợ địa phương giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong vùng dự án cũng như hỗ trợ phát triển hạ tầng, xã hội và giảm nghèo trong những năm tới nhưng đến nay vẫn chưa được.
Chuyện vàng ở Phước Sơn cũng tương tự câu chuyện sâm quý Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My. Trại sâm Ngọc Linh do Công ty cổ phần dược y tế Quảng Nam quản lý, nuôi trồng, bảo tồn phát triển, báo cáo và nộp ngân sách trực tiếp với tỉnh. Việc trồng số lượng bao nhiêu, thu hoạch thế nào có hỏi, địa phương cũng hoàn toàn không hay biết. Thế nhưng, khi xảy ra mất trộm sâm quý, thất thoát sâm chính quyền địa phương huyện Nam Trà My lại phải xắn tay vào lo chuyện. Theo chuẩn mới, Nam Trà My là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước, chiếm trên 84%. Với giá trị từ 40-42 triệu đồng/kg sâm tươi nên phát triển cây sâm Ngọc Linh được xác định là hướng giảm nghèo nhanh và bền vững cho địa phương. Trong vài năm gần đây huyện đã vận động nhân dân nhân giống và mở rộng vùng sản xuất ra một số xã lân cận có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng với xã Trà Linh. Tuy nhiên, việc mua giống ở địa phương là rất khó khăn. Trại sâm chỉ cung cấp khoảng 15.000 cây con, trong khi nhu cầu thực tế lên đến 80.000-100.000 cây. Vì vậy, “chỉ cần công ty hỗ trợ giống sâm ổn định cho đồng bào Trà Linh là tốt lắm rồi, chứ không cần nhất thiết là chia sẻ lợi ích với huyện. Có cây sâm đồng bào nơi đây sẽ sớm thoát nghèo…”, ông Lê Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ.
Việc khai thác yến sào ở Cù Lao Chàm cũng giống như chuyện sâm Ngọc Linh hay vàng Phước Sơn. Mọi hoạt động từ nguồn lợi “vàng trắng” đều do Đội Yến sào trực thuộc TP Hội An giám sát, quản lý khai thác. Người dân địa phương bị nghiêm cấm hoàn toàn khi vào khu vực này. Thậm chí họ muốn xin vào làm công nhân khai thác hoặc bảo vệ cũng bị từ chối vì nhiều lí do.
Để phát triển hài hoà các mối quan hệ trong cộng đồng, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần có chính sách chia sẻ lợi ích đặc biệt từ việc tài nguyên thiên nhiên đối với các địa phương được thiên nhiên ưu đãi, chẳng hạn như chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng ở các dự án thuỷ điện đang được thực hiện…