Nông dân huyện Bình Tân - Vĩnh Long đang điêu đứng vì giá khoai lang rớt thảm hại. Ảnh: CA LINH
Ở Quảng Nam, thương lái TQ còn có thời gian thu gom dưa hấu. Nhiều nông dân thấy dưa hấu được giá nên cũng đua nhau trồng. Mới đây, thương lái TQ lại dừng mua giữa chừng khiến dưa hấu rớt giá không phanh. “Các đầu mối người Việt lỡ mua hàng tấn dưa với giá cao để bán lại cho thương lái TQ đành mang ra chợ bán, mong vớt vác lại ít vốn. Tuy nhiên, dưa hấu chín quá nhiều, bán không hết nên nhiều người đành đổ bỏ” - bà H. ngao ngán.
Đau hơn cả là những nông dân một nắng hai sương bị sụp bẫy của thương lái TQ đến tán gia bại sản. Chuyện xảy ra cuối năm 2011 nhưng đến nay, nhiều nông dân ở vùng ven biển Bạc Liêu vẫn chưa thể nguôi ngoai. Bà Võ Thị Nga ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình - Bạc Liêu, nhớ lại: “Trước Tết, có một người lạ mặt đến dọ mua 100 tấn bần ổi để xuất qua TQ làm thuốc với giá 100.000 đồng/kg cây, 50.000 đồng/kg lá. Tôi đồng ý và đã bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng để cùng hàng chục người tổ chức thu mua bần ổi khắp nơi. Sau khi gom đủ bần ổi, tôi gọi điện cho người này đến lấy hàng nhưng chết điếng vì nghe trả lời không mua nữa”.
Người trồng khoai vỡ mộng
Gần một tháng nay, nông dân trồng khoai lang tại ĐBSCL lâm cảnh điêu đứng vì khoai lang tím Nhật xuất đi TQ rớt giá thảm hại. Nhiều thương lái địa phương cũng lao đao vì thương lái TQ đã về nước, bỏ lại số nợ mua khoai hàng tỉ đồng.
Năm 2011, báo chí đã cảnh báo việc thương lái TQ sang Vĩnh Long thuê đất trồng khoai. Bỏ qua khuyến cáo của chính quyền địa phương, nhiều người dân đã ồ ạt chuyển hàng trăm hecta diện tích lúa đông - xuân, hoa màu sang trồng khoai xuất khẩu. Có thời điểm, thương lái TQ thu mua trên 1 triệu đồng/tạ khoai (chỉ tính 60 kg), nông dân thu lợi 300-400 triệu đồng/ha. Do vậy, diện tích trồng khoai đã không ngừng tăng lên và phong trào ngày càng “nở rộ”, lan sang nhiều địa phương khác.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều nông dân đã vỡ mộng vì giá khoai giảm liên tục, hiện chỉ còn 250.000-300.000 đồng/tạ. Theo nhiều nông dân, 1 công khoai lang cần đầu tư 12-15 triệu đồng, năng suất trung bình khoảng 35 tạ thì với giá hiện nay, họ lỗ 2-5 triệu đồng. Những hộ thuê đất trồng khoai càng bi đát hơn khi chi phí đầu vào tăng gấp đôi.
Tại những vùng trồng khoai khác ở ĐBSCL như Lấp Vò - Đồng Tháp, Cờ Đỏ - TP Cần Thơ…, hàng trăm hecta khoai lang cũng đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Khi sản lượng khoai lang ngày càng tăng, thương lái TQ vin cớ chỉ mua loại nhỏ (3 củ/kg), khoai lớn họ không mua hoặc mua với giá rất thấp. Giá khoai giảm, nông dân chờ giá lên mới bán nhưng càng chờ thì khoai càng lớn, lúc đó thương lái TQ lại ép nông dân bán với giá rẻ mạt.
Thương lái Trung Quốc ngưng thu mua, nông dân huyện Đại Lộc – Quảng Nam phải thu hoạch ớt về phơi khô Ảnh: HOÀNG DŨNG
Nhiều thương lái địa phương cũng đã sập bẫy thương lái TQ. Một số thương lái TQ đã âm thầm về nước, không thanh toán tiền mua khoai hàng tỉ đồng. Ông Nguyễn Thắng, một thương lái thu mua khoai tại xã Tân Thành, huyện Bình Tân - Vĩnh Long, mếu máo: “Thương lái TQ còn nợ vựa của tôi 700 triệu đồng nhưng gọi điện thoại hoài mà họ không nghe máy. Nghe đồn họ đã về nước, tôi đứng ngồi không yên mấy ngày nay. Nếu họ quỵt luôn thì tôi cũng không biết đòi tiền ở đâu”.
Ngón đòn ác hiểm
Mua cao hơn giá thị trường là đòn tâm lý ác hiểm nhất mà đa số thương lái TQ dễ dàng “đánh gục” người bán ngay lần đầu giao dịch. Lúc đầu, họ tỏ ra dễ dãi trong việc mua bán và trả tiền sòng phẳng, thậm chí còn sẵn sàng đặt cọc trước 30%. Sau một thời gian, họ giở trò than vãn nhằm khất nợ hoặc trả chậm. Khi số tiền lên đến bạc tỉ, nhiều người lần lượt… “hô biến”.
A Kiều là một “khách du lịch” TQ đến tạm trú tại khóm 1, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn - Cà Mau, hơn một năm nay để thu mua cua thương phẩm. Bà ta về nước hồi tháng 3-2012 mang theo số nợ hơn 6 tỉ đồng không hẹn ngày trở lại. Cùng về nước với A Kiều còn có một người tên A Mao, cũng mang theo số nợ vài tỉ đồng.
Theo tài liệu của Công an thị trấn Năm Căn, A Kiều tên thật là Wang Juanmei (SN 1974), tạm trú tại nhà bà Trần Thị Bảy. Bà Bảy cho biết khi bỏ trốn, A Kiều nợ tiền thuê nhà bà 7 tháng, mỗi tháng 2 triệu đồng. “Tôi còn phải trả tiền cho người giặt quần áo của A Kiều 600.000 đồng/tháng. Đau nhất là tôi mượn tiền của hàng xóm cho A Kiều vay 60 triệu đồng, giờ phải trả góp” - bà Bảy than thở.
Ông Đỗ Chí Hùng, chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn, cho biết A Mao còn nợ ông 1,7 tỉ đồng mua cua, giờ vô phương đòi. Không chỉ các vựa cua lớn, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở Cà Mau và Bạc Liêu cũng là nạn nhân của thương lái TQ. Người bị quỵt ít nhất 15 triệu đồng, nhiều nhất trên 1,6 tỉ đồng…
Gây xáo trộn thị trường
Theo ông Đỗ Văn Nam, thương lái nước ngoài chỉ cần thu mua hàng với giá cao trong vài vụ là nhiều nông dân đã tin tưởng, đổ xô sản xuất, cung cấp cho họ. “Đến lúc nào đó, có thể họ ôm hàng bỏ trốn hay ép giá, không mua… Vì thế, nông dân phải hết sức cẩn trọng với thương lái nước ngoài” - ông Nam khuyến cáo.
Ông Nam cho rằng để không rơi vào cảnh bị lường gạt hoặc nông sản ế thừa do thương lái nước ngoài bỏ trốn hay ngưng thu mua, nông dân cần tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Nhà nước khuyến khích nông dân và doanh nghiệp phối hợp thành lập chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. “Nông dân không nên ham lợi trước mắt khi bán nông sản cho thương lái nước ngoài với giá cao mà cần xác định đầu ra bền vững là lựa chọn hàng đầu” - ông Nam nhìn nhận.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu hàng giả và gian lận Trung ương nhận định việc thương lái nước ngoài trực tiếp tổ chức mạng lưới thu gom hàng hóa của nông dân là vi phạm quy định của Việt Nam. Việc thu gom nông sản, thủy sản tận cơ sở sản xuất của thương lái TQ đã gây xáo trộn thị trường trong nước.
Bảo Trân
|
Đổ xô thu gom đỉa
Sau một thời gian tạm lắng ở Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, TPHCM, Tây Ninh…, mới đây, một số đầu nậu lại đổ xô thu mua đỉa để bán cho thương lái TQ tại Nghệ An.
Hiện nay, ở các xã miền núi của huyện Quế Phong - Nghệ An, thương lái địa phương thu mua đỉa để bán sang TQ với giá 150.000 - 200.000 đồng/kg. Thấy việc bắt đỉa bán dễ kiếm tiền nên nhiều người dân đã đổ xô đi lùng sục.
Người dân Quế Phong - Nghệ An thu gom đỉa bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: HẢI VŨ
Người dân Quế Phong cho biết có ngày, thương lái thu gom được hàng chục ký đỉa sống. “Thấy họ mua thì mình ra đồng bắt về bán thôi. Nghe đâu người ta mua rồi bán cho các thương lái TQ để làm thuốc chữa bệnh” - bà Trần Thị Hoa, ngụ xã Tiên Phong - huyện Quế Phong, phân trần.
Việc thu gom đỉa ở Quế Phong đã diễn ra từ giữa tháng 4-2012 đến nay. Các đầu nậu cho người sục sạo khắp các thôn bản gom hàng theo kiểu “tận diệt”, đỉa to hay nhỏ đều thu mua hết.
Ông Trịnh Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, băn khoăn: “Thấy hiện tượng bất thường, chúng tôi đã thông báo tới các xã, khuyến cáo người dân không nên đi thu gom đỉa bán cho các thương lái TQ nữa”.
Hải Vũ
|