Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tối 17/5 (giờ địa phương, tức sáng 18/5 giờ Việt Nam), hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị thành phố Pittsburgh chật cứng người với hơn 1.500 thí sinh cùng hàng ngàn bè bạn, người nhà, các quan sát viên, các giám khảo, nhà tài trợ, phóng viên báo chí...
Ngay trong số những giải thưởng đầu tiên được công bố đã có tên Vanna Nga Hovanky, cô gái gốc Việt ở bang Texas với phát kiến mới về phương pháp điều trị ung thư. Cô đoạt giải Nhì của Hiệp hội Các nhà khoa học Dược Hoa Kỳ, trị giá 1.000 USD.
Chỉ ít phút sau đó, một cái tên người Việt khác đã được xướng lên, đó là Kevin Anh Nguyễn, cũng từ Texas, với nghiên cứu về một loại chỉ khâu mới giúp người bệnh hồi phục sau mổ nhanh hơn. Đề tài này đã vinh dự đoạt giải Nhất của Hiệp hội hóa học Hoa Kỳ, trị giá 4.000 USD. Kevin sau đó còn đoạt tiếp giải Nhì của Hiệp hội nghiên cứu khoa học SIGMA XI, trị giá 1.500 USD.
Kevin Anh Nguyễn (thứ ba từ phải sang) giành giải Nhì của Hiệp hội nghiên cứu khoa học SIGMA XI, trị giá 1.500 USD.
Nhưng thành công lớn nhất của tối nay, như người viết đã dự đoán ở bài viết trước, chính là Vũ Mai Anh, người đã lập “cú đúp” với hai giải đặc biệt ở năm ngoái do Quân đội Hoa Kỳ và Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ trao tặng. Năm ngoái, Mai Anh thực hiện đề tài chung với người anh họ Nguyễn Quốc Bảo. Năm nay, khi Bảo đã lên Đại học, Mai Anh “tự lực cánh sinh” và phát triển tiếp đề tài lên một tầm cao hơn, và thật bất ngờ khi cô liên tiếp giành tới 3 giải đặc biệt: Giải Nhì của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), trị giá 2.000 USD; giải đồng hạng của Quân đội Hoa Kỳ trị giá 1.500 USD; và học bổng trị giá 2.500 USD của Đại học Duquesne.
Vũ Mai Anh (phải) giành học bổng trị giá 2.500 USD của Đại học Duquesne.
Mai Anh tỏ rõ sự xúc động rất mạnh khi đoạt tới 3 giải liền và luôn miệng nói rằng “không thể tin nổi”, “em không hề đặt kỳ vọng gì về giải thưởng năm nay”. Năm ngoái, sau khi giành 2 giải đặc biệt, Mai Anh đã đoạt tiếp giải Nhất lĩnh vực Hóa học, trong hệ thống giải chính thức của ISEF. Thế nhưng khi được đề nghị đánh giá về khả năng đoạt giải chính ngày mai, sau khi lập “hat-trick” ở lễ trao giải đặc biệt, Mai Anh vẫn khiêm tốn nói rằng mình không đặt ra kỳ vọng nào cả.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự đánh giá của ban giám khảo chính và của các đơn vị trao giải độc lập là khá tương đồng. Vì vậy, mặc dù nếu xét về tỉ lệ tổng số giải thưởng trên tổng số thí sinh thì xác suất có giải là khoảng 1/5, nhưng trên thực tế, có khá nhiều cá nhân hoặc nhóm xuất sắc như Kevin hay Mai Anh, đoạt nhiều hơn 1 giải. Và càng đoạt nhiều giải đặc biệt thì cơ hội giành giải chính thức càng lớn.
Như vậy, với việc nhóm dự thi duy nhất từ Việt Nam không giành được giải đặc biệt nào tối nay, có thể nói cơ hội để những học sinh trong nước đoạt được bất kỳ một giải nào tại ISEF vẫn còn khá xa vời. Nhìn vào những tài năng gốc Việt tại Mỹ liên tiếp bước lên đài vinh quang, có thể khẳng định trí tuệ Việt Nam không hề thua kém bất cứ ai, nhưng rõ ràng là ngành giáo dục trong nước vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nếu muốn sánh vai với các cường quốc năm châu trong một cuộc thi giàu tính thực tiễn, có tầm ảnh hưởng rộng và mang hơi thở thời đại mạnh mẽ như ISEF.