>>"Lùm xùm" sau câu chuyện hòn đá bị giam
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê lập biên bản cưỡng chế thu hồi hai cục đá tại nhà ông Lê Hùng Dũng (29/3) và tịch thu một cục đá của bà Trần Thị Sắc (28/3) ở xã H’bông gây xôn xao dư luận cả nước về cách hành xử rất “quan liêu” của chính quyền huyện này.
Theo phản hồi của UBND huyện Chư Sê ngày 25/4 trên trang thông tin điện tử của huyện, sau khi đoàn kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kiểm tra và có kết luận: “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 03 cục đá nói trên là phù hợp và là việc làm thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được qui định tại Luật Khoáng sản”.
Tuy nhiên, việc này đã được ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở TN&MT xác nhận với báo chí là trong báo cáo số 42/BC-STNMT ngày 16/4, không hề có kết luận như UBND huyện Chư Sê dẫn, mà chỉ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh kiểm tra làm rõ đúng, sai và tính hợp pháp, hợp lý về quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra trong vụ việc 3 hòn đá.
Cục đá của bà Trần Thị Sắc đang được “giam” cẩn thận tại UBND huyện Chư Sê. |
Không chấp nhận đề xuất của Sở TN&MT, UBND tỉnh Gia Lai lại tiếp tục có công văn số 1114/UBND-CNXD chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn kết luận rõ vụ việc nêu trên. Ngày 03/5/2012, Sở TN&MT đã chủ trì cùng với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê đã họp về việc Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê kiểm tra, tạm giữ 03 cục đá tại xã H’Bông, huyện Chư Sê và đã đi đến kết luận.
Về việc kiểm tra tạm giữ 3 cục đá được cho là khoáng sản, “Đoàn kiểm tra lập biên bản tạm giữ các cục đá là không đúng thẩm quyền”. Vì theo quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 10/01/2012 của UBND huyện Chư Sê, Đoàn kiểm tra liên ngành không được giao nhiệm vụ tạm giữ tang vật vi phạm.
Theo Điều 45 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, “Đoàn kiểm tra không phải là những người có thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê thì, “Đoàn kiểm tra chỉ tạm giữ tang vật tại chỗ chờ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để tránh việc tẩu tán tang vật” là một giải trình thiếu cơ sở.
Tại sao viên đá của bà Trần Thị Sắc nặng hàng tấn lại lập bên bản tịch thu và ngay lập tức đưa về UBND huyện rồi đóng lồng sắt để nhốt lại? Phải chăng là vấn đề an ninh trật tự tại trụ sở UBND huyện này không được đảm bảo? Tại sao 2 cục đá của ông Lê Hùng Dũng, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện phải điều cả xe cẩu đến để cẩu cục đá từ trong sân nhà ra đến lề đường như là một hành động “cưỡng chế” của dân? Rồi việc Đoàn kiểm tra phải lập đến 3 biên bản? Nhiều người dân chứng kiến cảnh cưỡng chế thu hồi đá tại nhà ông Dũng bức xúc cho rằng: “Như thế này có phải là ép dân quá đáng không”(!?)
Nhìn cảnh viên đá của bà Sắc được đóng lồng sắt kiên cố để nhốt lại tại UBND huyện như giam một con quái thú. Ông Nam, một người lái xe ôm tại thị trấn Chư Sê mỉa mai: “Lẽ ra, cái lồng sắt này phải để nhốt cục đá ở An Giang mới đúng, vì cục đá đó đè nát cả xe ô tô và làm chết 6 mạng người. Cục đá của bà Sắc thì có tội tình gì đâu chứ”!
Về trình tự thực hiện, việc đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản kiểm tra và tạm giữ các cục đá là không đúng trình tự, thủ tục theo luật định. Biên bản Đoàn kiểm tra không phù hợp về hình thức, nội dung và cả thẩm quyền (cả đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản cũng không đúng thành phần theo Quyết định của UBND huyện Chư Sê - những người không có thẩm quyền nhưng tiến hành kiểm tra và lập biên bản).
Căn cứ theo luật định, Đoàn kiểm tra liên ngành không có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê thì ngay tại thời điểm kiểm tra đột xuất, “các thành viên trong Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 10/01/2012 đang bận công tác, do đó chỉ có ông Nguyễn Trọng Khánh tham gia đoàn kiểm tra thuộc thành phần quy định tại Quyết định nói trên” là không phù hợp…
Cuộc họp cũng đã kết luận: Việc kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 03 cục đá nói trên của UBND huyện Chư Sê có một số điểm chưa đúng trình tự, thủ tục, hình thức theo quy định pháp luật. Riêng 02 cục đá tại nhà ông Dũng đã mất. Trường hợp này không có cơ sở để xử lý vi phạm hành chính, mặt khác trong biên bản nêu rõ là tạm giữ đưa về UBND huyện chờ xử lý (lỗi này thuộc cơ quan có thẩm quyền). Do đó, không có căn cứ xử lý vụ việc, chỉ xem xét trách nhiệm của các cán bộ có liên quan.
Như vậy phản hồi của UBND huyện Chư Sê cho rằng “Việc UBND huyện kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 03 cục đá nói trên là phù hợp và là việc làm thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được qui định tại Luật Khoáng sản” là một biện bạch không có cơ sở. UBND huyện Chư Sê cũng cần đính chính thông tin vì cho rằng “Báo chí đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước của huyện, làm nóng lên tình hình của địa phương và làm giảm uy tín trong quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của huyện”!
Gửi mẫu đá đi giám định Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, Sở TN&MT Gia Lai chủ trì cùng với UBND huyện Chư Sê tiến hành lập biên bản lấy mẫu cục đá đang tạm giữ tại UBND huyện Chư Sê gửi giám định làm căn cứ để xử lý vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Sắc và làm cơ sở để khoanh định khảo sát, thăm dò, khai thác khu vực mỏ này có hiệu quả, đảm bảo tài nguyên khoáng sản được sử dụng đúng mục đích. |