Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hôi thối vì hệ thống xử lý nước thải trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng

(17:07:30 PM 12/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Trong những ngày nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời trên dưới 40 độ C, thì việc chống chọi với thời tiết đã là một vất vả của người dân. Nhưng trên địa bàn phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, người dân lại phải chịu thêm một mùi hôi thối nồng nặc từ Trạm xử lý nước thải (XLNT) Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Cần thay thế hệ thống xử lý nước thải trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng - Ảnh minh họa

 

Mặc dù các ngành chức năng thành phố đã chỉ đạo cương quyết việc khắc phục tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, nhưng gần một tháng qua vẫn chưa thể khắc phục được và người dân vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối cùng cái nắng nóng của thời tiết. Trước tình trạng này, thành phố Đà Nẵng kiến nghị xây dựng Trạm xử lý nước thải mới có công suất 10.000m3/ngày đêm thay cho trạm xử lý nước thải cũ để tránh tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Quốc Việt (thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng Trạm XLNT này với kinh phí 10 tỷ đồng theo hình thức BOO (đầu tư, kinh doanh, sở hữu). Trạm XLNT được xây dựng trên diện tích 7.000m2 theo hai giai đoạn với tổng công suất xử lý 5.000m3/ngày đêm. Đến nay, trạm đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động với công suất 2.500m3/ngày đêm và sử dụng công nghệ xử lý sinh học (kỵ khí, hiếu khí). Thế nhưng, kể từ ngày đi vào hoạt động (tháng 7/2010) đến nay, trạm này vẫn thường xuyên gây ô nhiễm môi trường và rất nhiều lần bị người dân kéo đến phản đối. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, một trong những yếu tố phải kể đến khiến nhà máy hoạt động kém là do đầu tư thấp, các hồ xử lý nước không được che đậy kín, nên mùi hôi từ đây khuếch tán mạnh ra bên ngoài. Công suất thiết kế là vậy, nhưng đến nay lượng nước xả thải thực tế là 3.000m3/ngày đêm, có khi cao điểm lên tới 7.000m3/ngày đêm, quá tải nên dẫn tới ô nhiễm. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng thường xuyên thay đổi, dẫn tới lượng nước thải tăng trong khi hệ thống thu gom nước thải đã xuống cấp, nguy cơ sự cố có thể xảy ra bất cứ khi nào. Chưa kể, nếu mất điện một giờ đồng hồ thì toàn bộ vi sinh vật xử lý mùi hôi bị chết và mùi hôi thối sẽ rất khó chịu.


Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, thành phố đã đồng ý cho 2 doanh nghiệp tiến hành nạo vét bùn thải và rác ở lòng âu thuyền Thọ Quang để giảm thiểu ô nhiễm. Bên cạnh đó, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã lắp đặt giàn pet phun sương để hạn chế mùi hôi, tiến hành cấy men vi sinh vào 2 hồ xử lý hiện có và tăng cường các máy sục khí, mở rộng thêm diện tích để nâng cao năng lực điều hòa nước thải... đồng thời đề nghị các công ty đang hoạt động trong khu công nghiệp tái xây dựng các trạm xử lý nước thải, bảo đảm nồng độ COD đạt dưới mức 1.500mg/l trước khi đấu nối vào Trạm xử lý nước thải chung của Khu công nghiệp... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài phải xây dựng Trạm XLNT mới có quy mô và công suất lớn hơn.

Được biết, ngay khi đầu tư vào Khu công nghiệp, hầu hết các nhà máy đã thực hiện đúng cam kết với thành phố về việc xây dựng trạm xử lý nước thải tại đơn vị. Tuy nhiên, hầu hết các trạm xử lý nước thải này công suất nhỏ, hoạt động không ổn định và chất lượng nước thải sau xử lý vẫn chưa đạt yêu cầu. Năm 2010, Trạm xử lý nước thải tập trung được đưa vào sử dụng thì tất cả các nhà máy đều phải đấu nối vào đây. Do đó, các doanh nghiệp cũng tự phá hết các trạm xử lý nước thải để mở rộng nhà xưởng sản xuất.

Từ thực tế trên cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, trước khi đi đến một quyết định cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh và giảm những hệ lụy về sau. Dù quyết tâm trong năm 2012 sẽ đầu tư một trạm xử lý nước thải mới, thay thế trạm xử lý cũ, nhưng cái khó ở đây chính là thời gian hoàn thành dự án ít nhất cũng phải mất 1 năm, các doanh nghiệp đầu tư lại các trạm xử lý nước thải cũng mất khoảng chừng đó thời gian để xây dựng, trong khi lượng nước thải đổ về Trạm xử lý hiện nay đã vượt quá tầm kiểm soát. Vậy trong thời gian xây dựng các trạm xử lý nước thải chung của Khu công nghiệp và riêng của các doanh nghiệp, thì lượng nước thải đang được thải ra hàng ngày, hàng giờ, vẫn chưa có phương án xử lý triệt để, và điểm ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang vẫn sẽ còn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở thành phố.

Văn Sơn (TTXVN)