Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thái Bình: Dân bao vây nhà máy hơn 9 tháng, địa phương bất lực?

(13:31:49 PM 12/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Sự việc xảy ra đã hơn 9 tháng nay, hàng trăm người dân xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chia nhau cắm trại, giăng biểu ngữ phản đối, chặn cổng ra vào của Nhà máy bột cá Thụy Hải, khiến nhà máy không thể hoạt động.

Bức xúc vì cho rằng Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải (Thái Bình) gây ô nhiễm, người dân đã đem bê tông, đất đá đổ trước cổng nhà máy khiến nhà máy phải ngừng hoạt động.

 

Sự việc trên cũng khiến ngư dân một số xã trong huyện Thái Thụy sống lay lắt do không có việc làm. Với cách xử lý của chính quyền địa phương hiện nay, người dân tự hỏi, liệu bao giờ câu chuyện này mới kết thúc?

Lấy lý do Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải thải nước và mùi gây ô nhiễm môi trường, một số đối tượng đã kéo nhau đến yêu cầu doanh nghiệp này ngừng sản xuất. Theo tìm hiểu của phóng viên thì những đối tượng trên là một số người trước đây chuyên thu mua cá lợn ở khu vực này, nhưng từ khi có Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải đi vào hoạt động và thu mua cá lợn của ngư dân với giá cao hơn với những điểm thu mua của các đối tượng trên. Thời điểm đó, nhà máy vẫn mua cá nguyên liệu của ngư dân với giá từ 3.500 - 4.500 đồng/kg, có lúc mua đến 5.000 đồng/kg. Giá này cao hơn nhiều lần so với các điểm thu mua trong vùng. Từ ngày nhà máy đóng cửa, nhiều điểm thu mua cá lợn đã ép giá ngư dân và chỉ thu mua với giá 1.000 - 1.200đồng/kg. Đó cũng chính là nguyên nhân thực khiến một số đầu lậu thu mua cá lợn gây khó dễ với nhà máy. Những đối tượng này đã huy động lực lượng, phương tiện chở bê tông, cát sỏi đổ thành bờ tường chắn trước cổng nhà máy, nhằm không cho xe chở cá tươi từ cảng vào. Để uy hiếp các ngư dân mang cá đến bán cho nhà máy, những người này thậm chí còn mang theo một chiếc quan tài đặt ngay trước cổng.

Theo lãnh đạo huyện Thái Thụy thì chính quyền địa phương đã rất nhiều lần vận động, thuyết phục các đối tượng này tự nguyện di chuyển quan tài, cũng như tự phá bờ tường ngăn cách nhà máy, nhưng không mang lại hiệu quả. Sự việc trên đã khiến gần 250 đôi tàu khai thác đánh bắt thủy sản cung cấp nguyên liệu chế biến cho nhà máy với khoảng 3.000 ngư dân, hàng trăm người làm dịch vụ phụ trợ lâm vào cảnh điêu đứng. Nhà máy sau một thời gian dài đóng cửa không hoạt động đang đứng trước nguy cơ phá sản. Sự việc trên còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân các xã lân cận.

Tỉnh cũng đã mời cơ quan chuyên ngành về khảo sát môi trường quanh nhà máy lần nữa và đã có báo cáo kết luận. Các thông số môi trường cơ bản của nhà máy đều nằm trong ngưỡng cho phép. Từ kết luận này, có thể thấy, việc gây rối trước cổng Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải không hoàn toàn vì lý do gây ô nhiễm môi trường.

Sự lo lắng, bức xúc của người dân vẫn là có thật. Lợi dụng những lo lắng này một số đối tượng quá khích đã lợi dụng tình hình để trục lợi trên mồ hôi và nước mắt của ngư dân nhiều tháng qua. Trong khi đó, chính quyền địa phương đã không có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này. Từ sự thiếu tích cực đến việc xử lý chậm trễ của cơ quan chức năng, cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc trong lòng người dân địa phương. Tất cả những nguyên nhân nêu trên đã dẫn đến một vụ việc kéo dài tới 9 tháng, nhưng chưa được xử lý dứt điểm và kéo dài dẫn tới sự căng thẳng không thể giải quyết được gây mất lòng tin vào chính quyền địa phương trong dân.

Thiết nghĩ, đến thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ đúng, sai trong những ý kiến phản ánh của nhân dân. Trên cơ sở đó, có cách xử lý thích hợp, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh và tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân tại địa phương, tránh để phát sinh những rắc rối, mất an ninh trật tự, tránh tạo ra một tiền lệ xấu trên địa bàn.

Lê Sơn (TTXVN)