Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đắk Lắk : Chưa có giải pháp hữu hiệu trong bảo vệ rừng

(09:25:45 AM 12/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dhăm Ênuôl, do vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý bảo vệ rừng, số vụ vi phạm tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên.

 

Đắk Lắk : Chưa có giải pháp hữu hiệu trong bảo vệ rừng - Ảnh minh họa

 

Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, đã xảy ra gần 600 vụ vi phạm tài nguyên rừng, trong đó, lực lượng chức năng đã tịch thu gần 1.128,20 mét khối gỗ, 71 kg động vật rừng và hàng trăm ô tô, máy kéo, xe máy các loại... Huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Buôn Đôn, Cư M’Gar là những địa phương có số vụ vi phạm tài nguyên rừng nhiều nhất.

Cũng theo ông Y Dhăm Ênuôl, trong hai năm trở lại đây, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động chuyên đề về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, triển khai các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ. Hàng tuần, hàng tháng tỉnh đều tổ chức họp, ra quân truy quét lâm tặc, tăng cường thêm lực lượng kiểm lâm địa bàn, kiểm tra các xưởng chế biến gỗ... Tuy nhiên, số vụ vi phạm tài nguyên rừng vẫn ngày càng gia tăng. Ngoài ra, do các công ty lâm nghiệp, các địa phương, các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng, trồng cao su buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng nên làm cho tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, thu hẹp.

Chỉ mới qua kiểm tra 9 doanh nghiệp thuê đất, liên kết trồng cao su, trồng rừng ở huyện Ea Súp, các ngành chức năng đã phát hiện 2.038,28 ha rừng bị phá trái phép. Công ty Cổ phần Vinamit có diện tích rừng bị phá trái phép lên đến trên 569,7 ha, Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát cũng đã để diện tích rừng bị phá trái phép gần 279 ha... "Lâm tặc" và đồng bào các dân tộc, chủ yếu là đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch ngang nhiên phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, vận chuyển gỗ giữa ban ngày trên địa bàn các xã Ya Tờ Mốt, Ea Rvê, Cư Mlan, Ea Rốk...(huyện Ea Súp). Tình hình khai thác gỗ trái phép, nhất là gỗ quý hiếm tại vườn quốc gia Yok Đôn, lấn chiếm, chặt phá rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn vẫn đang là điểm nóng trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Tại xã Ea Kiết (huyện Cư M’Gar), đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch chặt phá trái phép trên 500 ha rừng đầu nguồn tại các tiểu khu 440, 547, 557... làm nương rẫy và sang nhượng trái phép.

Hiện nay, tỉnh chỉ đạo các địa phương, các chủ rừng thống kê, đánh giá đúng thực trạng rừng bị phá, bị lấn chiếm, kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép, chống người thi hành công vụ tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các cụm công nghiệp, điểm quy hoạch, đình chỉ hoạt động các xưởng cưa hoạt động trong rừng, gần rừng, nhất là trên địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn. Tỉnh cũng tăng cường lực lượng kiểm lâm về 98 xã có nhiều rừng, các địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép; chấm dứt chủ trương, tạm dừng triển khai 17 dự án trồng rừng, trồng cao su... Tỉnh cũng tập trung xây dựng các chuyên án điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương để trục lợi, cố tình làm trái các quy định của pháp luật, có hành vi tiêu cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đối với các doanh nghiệp để mất rừng, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, xử lý trách nhiệm và bồi thường thiệt hại rừng theo quy định của pháp luật...

Quang Huy (TTXVN)