Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phía dưới đập chứa thuỷ điện khô cạn và phía trên nước tràn đầy. Sau khi ngăn dòng thuỷ điện Đắk Mi 4, TP. Đà Nẵng đang trong nguy cơ chết khát. Ảnh: VNN
“Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo xả 25 m³ nước/giây trở lại sông Vu Gia để giải quyết nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở vùng hạ du nhưng từ đầu mùa khô 2012 đến nay, thủy điện Đăk Mi 4 vẫn... phớt lờ chỉ đạo này”. Đó là phản ánh của ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, tại buổi triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão năm 2012 do Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, chủ trì ngày 10-5, tại Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận định: Việc không xả nước theo chỉ đạo như trên đã làm gần 1,7 triệu dân vùng hạ lưu bị “khát” trầm trọng. Ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh: Sông Vu Gia là nguồn nước chính để đẩy mặn, duy trì dòng chảy, phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ của vùng hạ lưu gồm TP Đà Nẵng, TP Hội An và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam). Khi xây dựng thủy điện Đăk Mi 4, Công ty Phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (IDICO, chủ đầu tư) không thực hiện theo nguyên tắc trả nước về sông cũ như 6 nhà máy thủy điện khác ở thượng lưu sông Vu Gia mà lại chuyển nước về sông Thu Bồn để phát điện.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng do chuyển nước ra khỏi lưu vực nên thủy điện Đăk Mi 4 đã làm tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn tới thảm họa môi trường và bất ổn xã hội. Trước đó, trong 2 năm 2009 - 2010, UBND TP Đà Nẵng đã liên tục có các văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết vấn đề này. Sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu IDICO phải thiết kế cống điều tiết tại đập thủy điện Đăk Mi 4 để xả 25 m³ nước/giây trở lại sông Vu Gia nhằm giải quyết nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở vùng hạ du. Năm 2011, thủy điện Đăk Mi 4 đã thực hiện chỉ đạo này. Tuy nhiên, từ đầu mùa nóng 2012 đến nay, thủy điện này chưa hề xả giọt nước nào về hạ lưu.
Trong khi đó, do thời tiết nắng nóng gay gắt, mực nước sông xuống thấp nên tình trạng nhiễm mặn ở Đà Nẵng đã xảy ra sớm hơn cùng kỳ 3 - 4 tháng và căng thẳng hơn hẳn mọi năm. Nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp đến 90% nước sinh hoạt cho TP, nếu ngừng hoạt động thì hầu như cả TP sẽ “chết khát”. Hiện độ mặn sông Cầu Đỏ ở mức cao, gần 500 mg/lít, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà máy. Ngoài ra, có 10.000 ha lúa ở vùng hạ du sông Vu Gia đang đứng trước nguy cơ thiếu nước, trong đó Đà Nẵng có 3.000 ha. Trước tình hình đó, tại buổi làm việc Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã kiến nghị: “Các cấp, ngành Trung ương và địa phương cần điều chỉnh quy hoạch xây dựng các công trình thủy điện trên thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn theo hướng có đánh giá rõ ràng về tác động môi trường, xây dựng quy trình vận hành xả lũ cũng như điều tiết nước của các hồ thủy điện với sự tham gia và giám sát của địa phương, tránh xảy ra thiếu nước ở mùa khô và lũ lớn ở mùa mưa”.
Vận hành thủy điện còn bất cập
Theo Trung tướng Trần Quang Khuê, việc vận hành các nhà máy thủy điện ở vùng thượng lưu đang còn nhiều vấn đề bất cập. Mùa khô cần điều hòa nước cho nhiệm vụ tưới và sinh hoạt thì lại thiếu, trong khi vào mùa lũ vẫn còn tình trạng không cắt được lũ, làm lũ lụt ở vùng hạ du nặng nề thêm. Trung tướng Trần Quang Khuê đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng tiếp tục rà soát quy chế phối hợp quản lý, vận hành các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 để bảo đảm mục tiêu vừa phát điện nhưng cũng phải vừa điều hòa nước vừa cắt lũ cho hạ du, bảo vệ môi trường, tham gia phát triển du lịch... và đặc biệt là bảo đảm đời sống dân sinh được bình thường. |