Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dược phẩm - tác nhân mới gây ô nhiễm nguồn nước

(09:01:54 AM 11/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Có công lớn trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho con người, dược phẩm bỗng dưng bị “nhúng chàm” vào việc gây ô nhiễm nguồn nước, được xếp hạng là “tác nhân mới gây ô nhiễm môi trường”.

 

Ở nước ngoài thuốc quá đát hoặc không sử dụng được thu gom để xử lý đúng cách - Ảnh: H.C.

 

 

Nhiều mẫu nước được xét nghiệm tại nhiều nguồn nước khác nhau trên thế giới đã cho thấy sự hiện diện của nhiều dạng dược phẩm, chẳng hạn thuốc kháng sinh, thuốc kháng trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc chống động kinh, thuốc trị các bệnh ung thư, thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc hạ cholesterol...

 

Tương đương lượng thuốc trừ sâu

 

 

Đánh động từ 20 năm trước

 

Cách đây khoảng 20 năm, các nhà khoa học của EPA đã phát hiện trong các mẫu bùn lấy từ quá trình xử lý nước thải của một trạm xử lý có chứa aspirin, caffeine, nicotine. Nhưng vào thời điểm đó, những phát hiện này cũng như “đàn gảy tai trâu” và chẳng đánh động được bất cứ sự quan tâm nào.

 

Vậy những loại thuốc này từ đâu mà đến? Chúng “luồn lách” bằng nhiều con đường khác nhau. Đến từ chất thải của các hãng bào chế dược phẩm, từ bệnh viện, các cơ sở y tế, cơ thể của người sử dụng thuốc. Nên nhớ rằng không phải bất cứ dược phẩm nào cũng được chuyển hóa hết trong cơ thể. Có những dược phẩm chỉ được chuyển hóa một phần, phần còn lại sẽ được thải qua phân, nước tiểu...

 

Một nguyên nhân vô cùng quan trọng khác để dược phẩm xâm nhập nguồn nước là cách vứt bỏ dược phẩm không đúng cách, một số bệnh nhân vứt bỏ dược phẩm không sử dụng hoặc hết hạn bằng cách quăng vào thùng rác hoặc cho vào bồn cầu rồi giội nước. Tất cả dược phẩm này “ung dung” thoát khỏi các quy trình xử lý nước thải, đi vào sông hồ, thậm chí cả những tầng nước ngầm.

 

Nông nghiệp, chăn nuôi súc vật cũng là một nguyên nhân để dược phẩm đi vào nguồn nước. Dược phẩm phổ biến bao gồm các loại kháng sinh, hormone và vô vàn loại thuốc thú y khác. Phân bón do vật nuôi thải ra có chứa những loại dược phẩm đó lại được dùng để bồi bón nông sản, rồi sẽ được thấm vào mạch nước dưới lòng đất.

 

Không riêng gì dược phẩm, các loại mỹ phẩm, sản phẩm săn sóc cơ thể vệ sinh cá nhân cũng được tìm thấy trong nguồn nước. Đa số là chất bảo quản, chất tạo hương nhân tạo như nitro xạ hương, chất làm thơm nhân tạo này được dùng rộng rãi trong các loại mỹ phẩm, các chất tẩy rửa...

 

Hiện một số quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng mùi xạ hương nhân tạo nitro vì gây tác động nguy hại đến môi trường. Một số mẫu nước được lấy từ hồ bơi, một số loài cá biển và cá nước ngọt... khi được phân tích xét nghiệm đã thấy có sự hiện diện thành phần của các loại kem chống nắng.

 

Các nhà nghiên cứu Christian G. Daughton và Thomas A. Ternes thuộc Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (The US Environmental Protection Agency - EPA) đã có một bản báo cáo được xuất bản trong chuyên san “Viễn cảnh sức khỏe môi trường”. Theo đó, số lượng dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân đi vào môi trường hằng năm tương đương lượng thuốc trừ sâu được sử dụng mỗi năm.

 

Cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu môi trường Đức đã tìm thấy clofibric acid (một loại thuốc làm hạ cholesterol) trong mạch nước ngầm bên dưới một trạm xử lý nước. Sau đó các nhà nghiên cứu này cũng tìm thấy clofibric acid ở các nguồn nước địa phương, ngoài ra còn có thêm Phenazole, Fenofibrate (thuốc điều hòa hàm lượng lipid có trong máu), các loại thuốc giảm đau như Ibuprofen, Diclofenac... Một số nguồn nước tại châu Âu cũng phát hiện có các tác nhân dùng trong hóa trị liệu, ung thư...

 

Tác hại

 

Vậy hàm lượng nhỏ dược phẩm trong nguồn nuớc sẽ gây nguy hại thế nào cho con người và môi trường sinh thái? Một số nhà khoa học tin rằng dược phẩm không gây vấn đề nghiêm trọng cho con người đáng kể bởi vì chúng xảy ra ở nồng độ thấp trong nước. Trong khi các nhà khoa học khác lo ngại nhiều loại trong số các loại thuốc này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone, gây ra các rối loạn về nội tiết. Việc các kháng sinh có trong nguồn nước cũng đem lại nhiều tác hại nghiêm trọng vì có thể gây ra sự đề kháng kháng sinh. Sự đề kháng kháng sinh sẽ dẫn đến những bệnh truyền nhiễm mà không có thuốc để chống chọi.

 

Các sinh vật dưới nước cũng “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Những dược phẩm này gây xáo trộn các chu kỳ sinh học của chúng. Ví dụ như các loại thuốc kháng trầm cảm được cho rằng sẽ làm thay đổi số lượng tinh trùng và mô hình sinh sản của các loại động vật thủy sinh. Gần đây, các nhà khoa học Anh nghiên cứu cho thấy estrogen, hormone giới tính nữ có trong nước chịu trách nhiệm cho sự biến dạng hệ sinh sản của cá.

 

Thống kê cho thấy những vùng nào thu hút nhiều bậc cao niên về hưu thì nguồn nước ở những vùng ấy có nguy cơ bị nhiễm dược phẩm càng lớn. Chuyện cũng không có gì khó hiểu, người cao niên sử dụng dược phẩm nhiều hơn những nhóm tuổi khác.

 

Điều mà những người quan tâm đến sức khỏe lo lắng rằng liệu nguồn nước dùng trong sinh hoạt có thể bị nhiễm dược phẩm hay không. Câu trả lời là không chuyện gì mà không có thể, bởi các chất chlorine dùng trong việc thanh lọc nước thì hoàn toàn “thúc thủ” trước các loại dược phẩm có trong nước.

 

Bỏ thuốc đúng cách

 

Để hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước gây ra bởi dược phẩm, người sử dụng thuốc cũng nên góp một phần trách nhiệm. Không bỏ thuốc vào bồn cầu, không bỏ thuốc vào bồn rửa chén, không bỏ thuốc trần vào thùng rác mà phải bỏ vào túi nilông và hàn kín lại. Tại Úc và các nước phương Tây, nhà thuốc tây và phòng mạch bác sĩ sẽ là nơi thu hồi các loại dược phẩm không sử dụng, được bỏ vào những dụng cụ chứa chuyên biệt và sẽ có nhân viên của Cơ quan Bảo vệ môi trường đến thu gom về để xử lý. Ở nước ta, chuyện này có lẽ cũng cần bắt đầu lưu ý.

 

NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (ĐH Murdoch, Úc)