Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Trên địa bàn Quảng Nam có trên 30 công trình thủy điện, trong đó có 13 thủy điện chính thức đi vào hoạt động và cam kết chi trả dịch vụ môi trường rừng. Để làm những thủy điện này, đã có hàng trăm héc ta rừng bị đốn hạ, hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng như mất nhà cửa, đất sản xuất hoặc bị ảnh hưởng khi phải di dời. Bên cạnh đó, cũng có hàng trăm héc ta rừng bị ngập khi thủy điện tích nước, kéo theo hệ sinh thái vốn đa dạng của Quảng Nam cũng bị mất dần theo mực nước của thủy điện. Những người dân sống nhờ vào việc đánh bắt dọc các con sông, suối (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) cũng mất luôn cơ hội mưu sinh…
Ông Đoàn Tranh, giảng viên trường Đại học Duy Tân, thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa hạ tầng cơ sở ở vùng cao phát triển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng thì thủy điện cũng đem lại một số tác động tiêu cực như gây lũ lớn ở hạ lưu, gây ra hạn hán và nhiễm mặn, gây ngập những cánh rừng, ngăn chặn đường di chuyển của các loài thủy sinh, gia tăng nạn phá rừng… Để thủy điện phát triển bền vững, cần thực hiện một số giải pháp như: phê duyệt hồ thủy điện phải có dung tích phòng lũ; giám sát nhà đầu tư trong quá trình thi công và sau khi đưa nhà máy thủy điện vào vận hành; thực hiện chính sách công bố thông tin và nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng; đảm bảo nguồn lực sản xuất và sinh kế bền vững của cộng đồng tái định cư; xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích thủy điện.
Yêu cầu về nghiên cứu tai biến địa chất trong quá trình xây dựng và vận hành an toàn nhà máy thủy điện là nội dung cơ bản mà PGS.TS Cao Đình Triều, Hội Khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam - Viện Vật lý Địa cầu muốn nhấn mạnh đối với việc phát triển thủy điện bền vững. Trong đó cần tập trung khảo sát nghiên cứu tai biến địa chất phục vụ lựa chọn vị trí xây dựng đập thủy điện, thiết kế xây dựng và vận hành an toàn đập; lập bản đồ địa chất chi tiết toàn bộ khu vực hồ chứa; nghiên cứu tính lý hóa của đất đá, nghiên cứu đứt gãy liền kề và tính chất thủy học là những vấn đề cần được quan tâm đặc biệt; khi các đứt gãy lớn chạy ngang qua vùng đập có biểu hiện hoạt động dịch chuyển mạnh trong hiện tại thì nhất thiết phải nghĩ đến việc lựa chọn một vị trí khác thích hợp hơn thay cho vị trí ban đầu. Điển hình như động đất kích thích là mối lo ngại nhất đối với đập thủy điện Sông Tranh 2 vì khi xảy ra trong vùng lòng hồ nó có thể trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn đập. Ngoài ra, động đất có thể gây nên các tai biến sinh kèm khác như trượt lở đất, nứt sạt đất, lũ quét…
Theo TS Đào Trọng Tứ, thành viên Ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam thì Ủy ban Thế giới về Đập (WCD) cũng đưa ra các khuyến nghị để phát triển thủy điện bền vững: xây dựng công trình thủy điện phải nhận được sự chấp thuận của công chúng, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng, tác động; đánh giá toàn diện các phương án, trong đó có các phương án thay thế đập; đánh giá các đập hiện có để xác định và thực hiện các chương trình nhằm phục hồi, cải thiện và tối ưu hóa công dụng của các đập hiện có; phải bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ở cấp lưu vực sông để thúc đẩy sự phát triển công bằng về con người và lợi ích của tất cả các loài nhằm bảo đảm bền vững cho dòng sông và sinh kế; công nhận quyền và chia sẻ lợi ích, trong đó những người bị tác động xấu phải là những người được hưởng lợi đầu tiên trong số những người được hưởng lợi từ dự án; cần đảm bảo sự tuân thủ những quy định, tiêu chí và hướng dẫn, những thỏa thuận đã thương lượng cho từng dự án cụ thể ở tất cả các giai đoạn quan trọng trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện dự án; sử dụng các dòng sông vì hòa bình, phát triển và an ninh.
Vẫn biết rằng, việc xây dựng thủy điện để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những khu vực vùng cao là điều cần thiết. Tiềm năng thủy điện trên dòng sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam ) được đánh giá vào khoảng 1.500 MW. Nhưng để phát triển thủy điện bền vững thì các nhà quản lý, đầu tư cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy chuẩn về trách nhiệm, quyền hạn và sự giám sát của các cấp phê duyệt, thẩm định dự án/công trình. Sự tham gia thật sự của cộng đồng trong việc công khai, giám sát kế hoạch quản lý môi trường ở tất cả công đoạn của dự án thủy điện. Như vậy, việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bố trí đất sản xuất cũng như tái định cư, an toàn trong mùa mưa lũ, các vấn đề xã hội… sẽ được giải quyết một cách hữu hiệu.