Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bất đồng nảy sinh giữa nhóm nước giàu và nhóm nước nghèo hơn về vấn đề khí thải tại hội nghị diễn ra ở thành phố Chiba (Nhật Bản).
Các nước giàu và nghèo vẫn bất đồng sâu sắc về việc cắt giảm khí thải - Ảnh: Reuters
Các nước giàu và nghèo vẫn chưa thỏa thuận được vai trò của mình trong cuộc họp vừa diễn ra nhằm tìm kiếm một dự thảo hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto sắp hết hạn.
Hôm qua, đại diện 20 nước gặp nhau tại Nhật Bản trong nỗ lực xóa bỏ bất đồng để tìm ra hướng đi mới trước khi Nghị định thư Kyoto hết hạn vào cuối năm 2012.
G-20 gồm những đại gia hàng đầu trong việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính như Mỹ (23phần trăm thế giới) và Trung Quốc (16phần trăm), nhóm nước phát triển G-8 cùng những nước có nền kinh tế lớn đang phát triển như Brazil, Indonesia và Nam Phi.
Tổng cộng, nhóm nước G-20 thải gần 20 tỉ tấn CO2 vào không khí mỗi năm, chiếm khoảng 78phần trăm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. G-8 đóng góp 45phần trăm trong số này, những thành viên còn lại chiếm 33phần trăm.
"Chúng tôi tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về phần trách nhiệm của mỗi nước tham gia", Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Ichiro Kamoshita của Nhật Bản tại hội nghị diễn ra ở thành phố Chiba.
Trước đó, Hội nghị môi trường Liên Hợp quốc (LHQ) tại Bali (Indonesia) vào tháng 12/2007 đã đặt ra thời hạn chót cho một thỏa thuận thời hậu Nghị định thư Kyoto là vào năm 2009.
Theo ông Halldor Thorgeirsson, Giám đốc lộ trình Bali cho Ủy ban Môi trường LHQ, các cuộc thảo luận rất có ích vì đây là cơ hội đầu tiên để các bên ngồi lại sau cuộc họp tại Bali. Tuy nhiên, giống như những cuộc họp trước, bất đồng lại tiếp tục nảy sinh giữa nhóm các nước giàu và nhóm các nước nghèo hơn.
Các nước đang phát triển một mực cho rằng họ không thể theo đuổi cùng một mục tiêu như các quốc gia giàu có trong việc cắt giảm lượng khí thải.
Đồng thời, họ yêu cầu các nước giàu phải tăng mức cắt giảm khí thải và giúp các nước đang phát triển chi trả cho việc áp dụng công nghệ sạch.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng thật không công bằng nếu chẳng đưa ra yêu cầu cho các nước đang phát triển.
Còn Nhật lại đề xuất hội nghị hãy đặt ra mục tiêu bắt buộc về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho từng ngành công nghiệp để làm cơ sở xây dựng hiệp định mới. Thế nhưng, yêu cầu trên đã vấp phải cái nhìn ngờ vực của nhóm những nước đang phát triển, đặc biệt là Nam Phi.
Một số nhà khoa học lo ngại đề xuất của Nhật Bản có thể cản trở lực đẩy mà hội nghị tại Bali đã tạo ra nhưng cuối cùng, nhiều ý kiến xây dựng đã được đặt trên bàn thảo luận.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Thorgeirsson đánh giá rằng, toàn bộ cuộc thảo luận đã chuyển từ các mục tiêu cần đặt ra để giảm lượng khí thải sang vấn đề làm sao để giảm lượng khí thải gây hại cho môi trường.
Nếu không sớm đạt sự đồng thuận thì những tranh cãi giữa nước giàu và nước nghèo sẽ tiếp tục cản trở tiến trình thương lượng cho một hiệp ước mới.
(Theo Thanh Niên)