Toàn cảnh điểm sạt lở đè bẹp xe bị nạn tại vồ Cứu Nạn (núi Cấm).
Tang tóc...
Hai giờ sau khi vụ tai nạn xảy ra, chúng tôi có mặt tại khu vực vồ Cứu Nạn. Vẫn còn những tiếng gào thét, khóc nấc... Ông Chau Kanh - một người dân địa phương - mặt biến sắc, cử chỉ hoảng loạn. Ông vẫn chưa hoàn hồn sau những gì chứng kiến: “Đang thăm rẫy dưới triền núi, bỗng tôi nghe tiếng nổ chát chúa, sau đó đất đá từ đỉnh núi cao hàng trăm mét đổ ập xuống dồn dập..., liền theo đó phụt lên cột khói cuồn cuộn rồi quăng đất đá mù mịt cả góc núi”. Khi leo lên đến mặt đường, ông thấy chiếc Honda của mình dựng bên lề đường đã bẹp gí như đống
sắt vụn.
“Lúc nhìn qua phía chiếc xe chở khách của Cty lữ hành An Giang, tôi như chết đứng... Chiếc xe thì nát nhừ, còn hành khách bên trong thì đầm đìa máu me, người đứt tay, người lòi ruột...” - ông Kanh kể.
Nắng lên cao, không gian xung quanh trở nên ngột ngạt với mùi của máu quyện với mùi từ những mảnh vụn của tử thi nằm lẫn trong hốc đá. Đứng cạnh bên chúng tôi, bà Trần Thị Thu - thân nhân của những nạn nhân xấu số, vừa đến từ huyện Châu Thành (Tiền Giang) - lặng đi như một người mất hồn. Chỉ trong mấy phút đồng hồ ít ỏi, bà một lúc mất đi 5 người thân gồm con, rể, cháu. Mãi một lúc rất lâu, chúng tôi mới nghe bà nói, giọng tức tưởi: “Tôi không thiết sống nữa. Phải chi hôm qua tôi đi chung theo đoàn để... cùng chết chung với họ”. Dù rất muốn hỏi bà Thu chuyện gia đình các nạn nhân, nhưng nghe bà nói vậy, chúng tôi không đành hỏi thêm gì nữa...
|
Nét thất thần của bà Trần Thị Thu - người thân của các nạn nhân.
|
Mãi đến khi đi hơn 50km ra tận Châu Đốc vào Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang, gặp anh Nguyễn Văn Đủ - người may mắn thoát chết trong trận lở núi - chúng tôi mới được biết thêm về hoàn cảnh của gia đình bất hạnh này. Anh Đủ kể: “Thằng Nhẹ để lại 1 vợ, 3 con nheo nhóc, đứa lớn mới học lớp 3; còn thằng Linh vừa cưới vợ được 4 ngày”.
Chúng tôi lặng đi với ý nghĩ: Rồi đây những người mẹ, người vợ biết trông cậy vào đâu trong suốt quãng đời còn lại, những đứa trẻ biết nương tựa vào ai để thẳng bước vào đời. Chúng tôi bỗng thắt lòng lại khi biết được có nạn nhân đã vĩnh viễn không thể có được cảm giác về hạnh phúc lứa đôi. “Gia đình vừa định cưới vợ cho Tâm, nhưng giờ thì nó sẽ không bao giờ đón nhận được hạnh phúc này” - anh Trương Hoàng Hiếu - anh ruột Trương Hoài Tâm, một trong những nạn nhân của vụ lở núi - rớm nước mắt kể.
Điều bất ngờ đã được… cảnh báo(!?)
Đến 13h cùng ngày, việc xeo đá tìm kiếm xác và đưa thi thể các nạn nhân về quê an táng sau khi đã tổ chức nghi lễ cầu siêu, tẩm liệm đúng theo nghi thức truyền thống đã cơ bản hoàn thành. Trước mắt, UBND huyện Tịnh Biên, Cty CP phát triển du lịch An Giang hỗ trợ cho mỗi trường hợp tử vong 14 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiếu “nhạc trưởng” tổ chức công tác khắc phục nên mãi đến 17h cùng ngày, trước bức xúc việc đi lại của người dân và khách hành hương, hiện trường vụ lở núi mới tạm thời thu dọn được một phần đường đủ cho xe môtô lên xuống núi Cấm. Những tảng đá hàng trăm tấn vẫn nằm ngổn ngang chắn ngang tuyến đường độc đạo và toạ lạc tại các vị trí nguy hiểm cho cả người qua lại và cả người dân sinh sống dưới triền núi.
|
Do thiếu người chỉ huy, nên mãi đến 17h cùng ngày mới tạm thời mở được lối đi hẹp đủ cho xe môtô qua.
|
“Đây là một tai nạn hy hữu và bất ngờ, không ai mong muốn” - ông Lê Minh Hưng - Tổng Giám đốc Cty CP phát triển du lịch An Giang, có mặt rất sớm tại hiện trường - nói. Theo ông Hưng, trong cái rủi có cái may: “May là giờ này khách hành hương lên xuống núi còn thưa, nếu xảy ra vào giữa trưa, hậu quả sẽ khó lường”.
Còn ông Ngô Hồng Yến - Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên - cho biết, khi làm đường thì đơn vị thi công cũng như cơ quan thiết kế đã lường hết khả năng về đá vách núi ven đường..., nên quá trình thi công đã có xử lý tất cả các hòn đá loi choi bám theo vách núi. Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống lâu năm ở núi Cấm, sạt lở núi lần này hoàn toàn nằm trong dự báo.
Ông Phạm Trác - chủ nhà trọ Hoa Lan trên núi Cấm - cho biết: “Điểm sạt lở xảy ra tại vị trí xung yếu và đã được nhiều người tìm cách cảnh báo trong thời gian qua, tiếc là chưa nhận được sự ghi nhận thoả đáng”. Với kinh nghiệm của người dân, ông Trác lý giải, vị trí sạt lở là thung lũng chạy dài từ đỉnh núi xuống tận mé đường. Vì vậy vào mùa mưa, nước từ nhiều nơi đổ dồn về nên thường tạo ra nạn sạt lở núi.
|
Cận cảnh chiếc xe sau khi bị nạn.
|
Có mặt tại hiện trường, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TNMT tỉnh An Giang - ông Tô Hoàng Môn - xác nhận: “Sau thời điểm hoàn thành đưa vào sử dụng (năm 2007) đến nay, đường dẫn lên đỉnh núi Cấm chưa một lần được kiểm tra đúng nghĩa để xác định độ an toàn vách đá ven đường. Có nhiều nguyên nhân, như nguồn nhân lực tại chỗ không đủ năng lực thực hiện, kinh phí thuê mướn khảo sát này khá cao..., nhưng quan trọng hơn hết là chưa có sự quan tâm đúng mức”.
Để có thông tin đa chiều hơn, chúng tôi quay về Long Xuyên, “gõ cửa” nhà riêng Phó GĐ Sở TNMT tỉnh An Giang - ThS Trần Anh Thư - ngay trong ngày nghỉ. “Trong ngày thứ hai (7.5), chúng tôi sẽ có những nhận định chính thức” - ông Thư thận trọng. Theo ThS Thư, việc xây dựng đường lên núi Cấm trong thời gian qua chưa đảm bảo các yêu cầu bắt buộc của khoa học đảm bảo an toàn cho việc thiết kế đường trên núi: Một trong những kỹ thuật bắt buộc khi thi công đường trên núi là không để vách núi thấp hơn 75 độ và độ cao của vách đá không được vượt quá 10m. Nghĩa là đối với vách núi cao hàng trăm mét như núi Cấm phải cắt tầng nhiều lần. Đồng thời “gọt” vách núi để mái chân đảm bảo an toàn trước khi áp dụng các kỹ thuật xử lý làm “cứng” phần vách núi.
|
Tẩm liệm và tổ chức nghi lễ cổ truyền cho các nạn nhân ngay tại hiện trường trước khi đưa về quê an táng.
|
... Đến 18h cùng ngày, mãi đến khi một thành viên của đội xe lữ hành tìm thấy và đưa một phần bộ óc và lưỡi của nạn nhân Tâm trong mớ hỗn độn đất, đá kịp trở lại để gia đình làm lễ, chúng tôi mới xuống núi. Rời hiện trường, câu chuyện về vụ lở núi kinh hoàng chưa kịp lắng đi, chúng tôi lại cảm thấy lo về vấn đề an toàn trong du lịch núi ở An Giang. Từ nhiều năm qua, không chỉ có núi Cấm, tỉnh An Giang còn đưa hàng loạt núi tự nhiên trên địa bàn vào khai thác du lịch như núi Két, núi Tô, núi Sam, núi Ba Thê, đồi Tức Dụp... với mỗi năm đón nhận hàng triệu lượt khách hành hương. Từ hậu quả nhãn tiền của vụ núi Cấm, nếu ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền tỉnh An Giang không có sự quan tâm đầu tư đồng bộ về an toàn thì không ai có thể đảm bảo rằng sẽ không có thêm một vụ “núi Cấm” nữa trong nay mai...