Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Sài Gòn ô nhiễm quá!”

(23:52:44 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Ai từng đi qua TP Vũng Tàu, Đà Lạt, Cần Thơ rồi mới ghé Sài Gòn đều không thể không thảng thốt: “Sài Gòn ô nhiễm quá!”. Đó cũng là kết luận của nghiên cứu "Ô nhiễm không khí, đói nghèo và tác động sức khỏe ở TPHCM" do Sở Y tế TP và Viện Nghiên cứu sức khoẻ Mỹ (HEI) mới công bố ngày 25/3/2008.

Không thể tưởng tượng nổi đây là một con đường của Sài Gòn. (Ảnh: Tùng Nguyên)
Ai từng đi qua TP Vũng Tàu, Đà Lạt, Cần Thơ… rồi mới ghé Sài Gòn đều không thể không thảng thốt: “Sài Gòn ô nhiễm quá!”. Đó cũng là kết luận của nghiên cứu "Ô nhiễm không khí, đói nghèo và tác động sức khỏe ở TPHCM" do Sở Y tế TP và Viện Nghiên cứu sức khoẻ Mỹ (HEI) mới công bố ngày 25/3/2008.

Những cung đường bụi bẩn

 

Từ ngày Công ty Cấp nước Sài Gòn cho lắp ống cấp nước trên đường Trần Xuân Soạn, người dân ven đường không dám ăn cơm khi chưa đóng chặt cửa vì quá bụi; trời mưa không ai dám ra đường vì quá lầy.

 

Đường Bến Chương Dương từ ngày công trường thi công Đại lộ Đông Tây đi qua, ai muốn phơi quần áo phải phơi trong nhà, nếu đem ra ban công phơi thì chiều lại phải đem vào giặt lại.

 

Đường Nguyễn Hữu Cảnh từ lúc các cao ốc hai bên đường triển khai xây dựng, rồi cầu Thủ Thiêm thi công, hầm chui Văn Thánh II sửa chữa thì người đi qua đều có vài đặc điểm chung là đang có việc khẩn không thể đi đường khác, không có trẻ em đi cùng, còn trẻ và khỏe mạnh. Người bệnh mà đi qua đoạn đường này chắc không chịu nổi.

 

Và trên hàng trăm con đường đang bị rào để thi công, những con đường ngay trung tâm TP chật hẹp nhưng hai bên đường có cao ốc đang xây dựng dân TP đều cố chen lấn nhau vượt qua cho nhanh vì khó thở. Lúc này bảo mọi người nên giữ phép lịch sự khi tham gia giao thông cũng khó, vì chẳng ai muốn đứng lâu giữa không khí ken đặc bụi đó.

 

Những cửa ngõ kinh hoàng

 

TPHCM có ba cửa ngõ chính là quốc lộ 22 dẫn về Tây Ninh, xa lộ Hà Nội mở hướng về Đông Nam bộ và các tỉnh phía Bắc, quốc lộ 1A dẫn đến miền Tây. Cả ba đều đáng gọi là khủng khiếp.

 

Ai chưa từng đi qua xa lộ Hà Nội có thể giật mình khi đến cầu Rạch Chiếc, cây cầu nổi tiếng đang “rung rinh”. Không phải vì sợ cầu sập mà vì bụi. Đất rơi từ xe container của Công ty Xi măng Hà Tiên gần đó, từ các xe tải chở đất bị rơi vãi khi qua cầu bị xóc, từ xe trong cảng container Phước Long đi ra tạo thành một cứ điểm bụi quanh chân cầu Rạch Chiếc. Ai đi qua đây cũng phải nhắm mắt nhắm mũi lao cho nhanh.

 

Còn ai muốn về TPHCM qua quốc lộ 22 thì đụng phải ngã tư An Sương. Trong 6 điểm quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP thì điểm quan trắc tại đây đứng đầu bảng danh sách ô nhiễm.

 

Nhưng có lẽ vẫn không bằng đoạn quốc lộ 1A trên địa phận huyện Bình Chánh, bắt đầu từ ngã tư An Lạc về miền Tây. Nếu ở đây có trạm quan trắc thì ngã tư An Sương phải nhường lại vị trí đầu bảng.

 

Hai con đường mới mở chạy song song quốc lộ được nâng cao hơn mặt quốc lộ hiện hữu 2m, nhưng hiện tại nó chỉ là hai con đường đắp bằng đất cát dài và cao như hai con đê. Cứ mỗi đợt gió thổi qua, mặt đê” tung đầy cát vào mặt người.

 

Người nghèo và trẻ em lãnh đủ

 

Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu Ô nhiễm không khí, đói nghèo và tác động sức khỏe ở TPHCM do Sở Y tế TP và Viện Nghiên cứu sức khoẻ Mỹ (HEI) tổ chức ngày 25/3 vừa qua, ban tổ chức cho biết: “81phần trăm các chỉ số chất lượng không khí đo đạc tại TPHCM vượt mức cho phép, trong đó bụi là tác nhân nguy hiểm nhất. Các chất ô nhiễm có khả năng gây ung thư như benzen, toluen và xylen đều đang ở mức cao và có xu hướng tăng thêm”.

 

Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Tài cũng phải thừa nhận: “TP đang đối mặt với ô nhiễm không khí trầm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân, nhất là trẻ em”. 

 

Còn TS Đỗ Văn Dũng - (ĐH Y Dược TPHCM) - cho biết: "Tỷ lệ viêm phổi và viêm phế quản ở trẻ em gia tăng hàng năm; trẻ càng nhỏ, tỷ lệ viêm đường hô hấp càng cao".

 

Bà Sumi Mehta, một thành viên nhóm nghiên cứu, phát biểu: "Không khí ô nhiễm sẽ tác động đến người nghèo nhiều hơn. Do chế độ dinh dưỡng thiếu thốn nên khả năng chịu đựng môi trường ô nhiễm của người nghèo thấp hơn người giàu, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và điều kiện chăm sóc sức khỏe, điều trị kém hơn".

 

(Theo Dân Trí)