Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mỗi ngày hàng tấn bao ni lông rác thải ra môi trường. Ảnh: CAO THĂNG |
Túi ni lông: Giảm một lợi mười
Thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho thấy, mỗi ngày người dân TP thải ra môi trường khoảng 60 tấn túi ni lông đã qua sử dụng. Hiện nay cũng chưa có thống kê chính xác bao nhiêu phần trăm của con số khổng lồ này được tái chế rồi trở lại thị trường, bao nhiêu phần trăm phát tán ra tự nhiên. Nếu chúng ta không có những biện pháp hạn chế sử dụng túi ni lông ngay, không bao lâu nữa kênh rạch, ruộng đồng, mọi nơi sẽ tràn ngập rác ni lông, môi trường sẽ bị ô nhiễm nặng nề, sức khỏe con người bị đe dọa nghiêm trọng. Theo phân tích của các nhà khoa học, sau khi sử dụng, rác ni lông phải mất từ 500 đến 1.000 năm mới tự phân hủy. Nếu chôn lấp, túi ni lông sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nước, còn nếu đốt thì sẽ tạo khí thải có chất độc dioxin gây bệnh ung thư. Việc sử dụng túi ni lông để chứa thực phẩm lại càng nguy hại, vì khiến thực phẩm bị nhiễm các kim loại từ ni lông.
Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM cho biết, thực hiện chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, trong đó xác định rõ mục tiêu đến năm 2015 phải giảm 40% khối lượng túi ni lông sử dụng. Để làm được điều này, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã triển khai chương trình “Tháng sử dụng túi thân thiện môi trường” tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Song song với đó, ngày hội Tái chế chất thải cũng được tổ chức hàng năm, đây được xem là những giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích cộng đồng hãy thay đổi hành vi của mình trong việc sử dụng bao bì, tiết giảm sử dụng và thải bỏ túi ni lông.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nhận thức được tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này. Để hiện thực hóa chủ trương kiểm soát ô nhiễm môi trường do các loại bao bì khó phân hủy, Bộ TN-MT đã triển khai thực hiện Dự án “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bao bì khó phân hủy (còn gọi là túi ni lông)” với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng có liên quan về tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe. Đồng thời, đề xuất những giải pháp cần thiết trong đề án quốc gia về “Khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do các loại bao bì khó phân hủy” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2012.
Nhiều ưu đãi lớn dự án tái chế
Theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên - Môi trường, rác của người dân trên địa bàn TP đều là những thứ còn dùng được nếu biết tái chế. Trong đó, rác thực phẩm là loại chiếm nhiều nhất từ 61% - 95% tổng lượng rác. Loại rác này có thể để sản xuất phân compost. Rác túi ni lông chiếm 0,5% - 13% có thể tái chế lại thành túi ni lông mới. Rác nhựa chiếm 0,5% - 10% có thể làm nhựa tái sinh. Tái chế giấy chỉ cần 70% năng lượng và sinh ra ít hơn 73% ô nhiễm so với việc sản xuất giấy từ nguyên liệu thô. Tái chế một hộp thiếc có thể tiết kiệm năng lượng đủ để mở tivi trong 3 giờ. Tương tự như rác thủy tinh, rác vải, chai nhựa… hoàn toàn có thể tái chế được thành các sản phẩm tương ứng.
Theo bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Quỹ Tái chế chất thải TPHCM đang có những ưu đãi cho các tổ chức, chương trình, dự án liên quan đến hoạt động tái chế chất thải trên địa bàn TP. Chẳng hạn như về mặt bằng, quỹ sẽ tư vấn tìm kiếm mặt bằng phù hợp với nội dung hoạt động của dự án và quy hoạch của thành phố. Về tài chính, quỹ sẽ có hỗ trợ về vốn như lãi suất ưu đãi trong thời gian nhất định đối với các dự án đầu tư về công nghệ tái chế, đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm tái chế. Các cơ sở tái chế sẽ được tạo điều kiện tiếp cận với các công nghệ tái chế tiên tiến, được hỗ trợ thông tin và tư vấn kỹ thuật như các giải pháp sản xuất sạch hơn cho ngành tái chế, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường do hoạt động tái chế. Đặc biệt, sẽ miễn thuế hoàn toàn cho việc nhập khẩu các thiết bị, sản phẩm phục vụ cho công tác tái chế ở TPHCM.
Có thể nói, việc hạn chế việc sử dụng các loại túi ni lông và sản phẩm không thân thiện môi trường là việc làm cần thiết. Nhưng để việc thực hiện chủ trương có hiệu quả, cần có chiến lược, chính sách và giải pháp đồng bộ. Một mặt, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rõ tác hại của việc sử dụng túi ni lông, từ đó thay đổi thói quen khi đi mua hàng. Cần có ngay giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ các loại túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế hơn hẳn túi ni lông như có chất lượng tốt, giá thành rẻ... Nếu chúng ta chỉ kêu gọi hạn chế sử dụng mà không chú trọng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, thì chủ trương khó đi vào cuộc sống và không đạt kết quả bền vững.