Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần bảo tồn di sản mộ táng "cổ" ở Phú Yên

(11:10:35 AM 02/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Trải qua thời gian năm tháng và hứng chịu sự tác động lớn của biến đổi khí hậu đã làm những ngôi mộ cổ ở Phú Yên dần hư hại. Nếu không có những giải pháp kịp thời thì nguy cơ đánh mất những di sản văn hóa này là điều khó tránh khỏi.

>>Nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường danh thắng núi Đá Bia
 
 
Mộ hình Búp sen
 
Mộ cổ - Tấm bia lịch sử một vùng đất
 
Mộ táng là một loại hình di sản khá đặc trưng trong kho tàng di sản văn hoá vật thể ở Phú Yên. Loại hình di sản này mang ý nghĩa tâm linh và in đậm dấu ấn lịch sử phán ánh rất rõ sắc thái văn hoá tộc người, biểu lộ từ hình dáng, kích thước mộ táng, kiến trúc, chất liệu xây và cách thức trang trí họa tiết, hoa văn. Trải qua thời gian năm tháng và hứng chịu sự tác động lớn của biến đổi khí hậu đã làm những ngôi mộ cổ dần hư hại. Nếu không có những giải pháp kịp thời thì nguy cơ đánh mất những di sản văn hóa này là điều khó tránh khỏi.
 
Khu mộ cổ núi A Mang: thuộc thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An (Phú Yên); được phân bố tại triền phía Nam của núi A Mang trên một diện tích rộng khoảng 2.000m2 dọc theo triền núi. Số mộ hiện còn khảo sát nhận diện được là hơn 500 ngôi. Về kiểu dáng kiến trúc ở khu mộ cổ núi A Mang có thể phân thành 4 loại: loại hình yên ngựa (kiều ngựa) chiếm đa số, loại hình mu rùa, loại hình mái nhà và hình búp sen có số lượng ít hơn. Những ngôi mộ đều quay mặt về hướng Đông hoặc Đông Nam, tức thi hài của người quá cố được chôn quay đầu về hướng Tây hoặc Tây Bắc phía đỉnh núi và chân hướng về phía chân núi. Nguyên tắc này được tuân thủ tuyệt đối, trong toàn khu mộ không có trường hợp nào ngoại lệ.
 
Về vật liệu xây dựng: tất cả các ngôi mộ đều được phủ bên ngoài một lớp hợp chất vôi cát dày. Tại một số ngôi mộ bị sụp đổ hoặc bị bong tróc lớp hợp chất ở bề mặt, có thể nhận thấy vật liệu xây dựng chủ yếu là đá. Đây là loại đá tự nhiên, không qua gia công, được thu nhặt ở quanh vùng. Loại đá này có rất nhiều ở các triền núi nơi đây. Ở một số ngôi mộ có các mảnh gốm trộn lẫn trong khối kết dính, xuất lộ lên bề mặt, có độ dày 1cm và rất rắn chắc.
 
Về quy cách xây dựng và đặc điểm trang trí: phần lớn những ngôi mộ chỉ xây đắp bộ phận kiến trúc chính là nấm mộ. Song, có nhiều trường hợp có xây thành bao xung quanh, bình phong ở phía trước và các trụ biểu. Một số ngôi có quy mô rất bề thế với nhiều chi tiết trang trí rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Có trường hợp 3 ngôi mộ dạng yên ngựa cùng có chung một vòng tường bao và bình phong. Có trường hợp có tạo cổng ở phía trước, dạng cổng vòm cuốn có độ cao vừa tầm người đứng. Trên trụ biểu ở phía trước của một số ngôi mộ còn vết tích nét khắc chữ Hán nhưng phần lớn đã bị mòn mờ rất khó nhận biết. Loại hoa văn được tạo tác để trang trí chủ yếu là hoa văn dạng vân tròn xoắn trôn ốc, được đắp nổi trên những ngôi mộ kiểu yên ngựa và mu rùa. Ngoài ra, ở một số ngôi có trang trí hoa lá ở các trụ biểu và thành mộ. Trên một số bức bình phong cũng cho thấy có vết tích trang trí nhưng do tác động của thời tiết, khí hậu nên những dấu ấn còn lại là rất mờ nhạt. Nhiều ngôi mộ có tạo bia ở mặt trước nhưng tất cả đều bị đục phá hoặc bị bào mòn, không thể xác định được danh tính người quá cố. Vị trí khu mộ cổ núi A Mang cách thành phố Tuy Hòa 33km đường bộ.
 
Khu mộ cổ Bình Thạnh: thuộc thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (Phú Yên). Khu mộ này nằm sát bên bờ sông Cái, gần khu vực Thành Cũ (thành Hội Phú). Do dòng chảy làm sói lở, phần lớn các ngôi mộ đã bị sụp đổ xuống lòng sông. Quan sát dưới lòng sông ở dọc bờ tại khu vực này vào mùa nước cạn có thể nhận thấy nhiều khối kết dính bằng vôi cát còn rõ kiểu dáng hình yên ngựa, nửa lộ lên trên nửa bị vùi trong cát. Những ngôi mộ còn lại ở gần bờ sông chỉ duy nhất có một kiểu kiến trúc. Đó là loại hình mộ yên ngựa có quy mô lớn. Qua một số vết nứt và điểm bị sứt vỡ cho thấy vật liệu đắp mộ chủ yếu là hợp chất vôi cát, vật liệu đá cũng được sử dụng nhưng có mức độ ít trong hỗn hợp xây dựng. Vị trí khu mộ cổ Bình Thạnhcách thành phố Tuy Hòa 35km đường bộ.
 
Khu mộ cổ Chánh Nam: thuộc thôn Chánh Nam, xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Khu mộ cổ này hiện còn khảo sát, nhận diện được 25 ngôi, phân bố trên một địa bàn rộng khoảng 1000m2. Nơi đây có địa hình bằng phẳng, nằm bên bờ vịnh Xuân Đài, gần Vũng Lắm. Các ngôi mộ được xây theo hướng Đông Tây và Đông Nam - Tây Bắc. So với khu mộ cổ ở núi A Mang, khu mộ này có số lượng ít hơn và mật độ phân bố cũng thưa hơn. Mộ ở đây được xây dựng theo 3 kiểu: hình yên ngựa, hình mu rùa, hình mái nhà. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là loại hình yên ngựa, thứ đến là các loại hình mu rùa, mái nhà. Về quy cách xây dựng và đặc điểm trang trí tương tự như ở khu mộ cổ núi A Mang. Về vật liệu xây dựng, thành phần vôi cát chiếm tỷ lệ lớn, vật liệu đá chiếm tỷ lệ nhỏ và thường được sử dụng để xây tường bao, bình phong, trụ biểu. Vị trí khu mộ cách thành phố Tuy Hòa 48km đường bộ.
 
 Giá trị quý về lịch sử- văn hóa-khoa học
 
Mộ táng hình Mu rùa
 
Căn cứ vào một số đặc điểm từ dấu tích vật chất của các ngôi mộ như kiểu dáng kiến trúc, cách thức trang trí, vật liệu xây dựng,... và những điều kiện địa lý lịch sử ở vùng phụ cận, chỉ có thể đoán định đây là những khu mộ táng của những lớp cư dân người Việt vào thời kỳ đầu của quá trình định cư, khai khẩn, xây dựng vùng đất Phú Yên khoảng thế kỷ XVII-XVIII.
 
Cả ba khu mộ cổ nói trên đều nằm trong những khu vực cư trú lâu đời của người Việt. Nếu như khu mộ cổ ở núi A Mang và khu mộ cổ ở Bình Thạnh nằm trong vùng hạ lưu sông Cái, nơi giữ vai trò là trung tâm thủ phủ của Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, thì khu mộ cổ ở Chánh Nam nằm bên bờ vịnh Xuân Đài, bên cạnh Vũng Lắm là thương cảng lớn ở Phú Yên trong lịch sử. Cả hai khu vực nói trên đều thu hút sự tập trung dân cư đông đúc. Trong đó, bao gồm nhiều thành phần xã hội, từ tầng lớp quan lại cho đến những gia đình khá giả và tầng lớp bình dân. Điều này thể hiện qua di tích mộ táng, với những sự khác biệt về quy mô kiến trúc mộ, kiểu thức xây dựng mộ và cách trang trí.
 
Ở những khu mộ có chung một đặc điểm là các bia mộ đều bị đục phá hoặc không làm bia mộ. Lý giải về điều này có ý kiến cho rằng vì ở giai đoạn các thế kỷ XVII-XVIII, vùng đất Phú Yên có nhiều biến động, chiến tranh xảy ra liên miên nên khi xây mộ phần người ta không tạo bia hoặc nếu có tạo bia thì sau đó cũng đục phá để tránh tình trạng trả thù bằng hình thức quật mồ mả của người quá cố.
 
Cách thức xây dựng mộ ngoài việc biểu hiện về địa vị xã hội, còn phản ánh những quan niệm về tâm linh của người quá cố. Ví như kiểu mộ hình búp sen và yên ngựa được lý giải như sau: “Đó là lòng tôn kính và sùng đạo Phật của người dân Phú Yên. Hoa sen tượng trưng cho sự trong trắng, còn cái yên ngựa hẳn là để gợi lại hình ảnh vật cưỡi của người truyền bá đạo Phật. Những người trung thành với đạo Phật chọn hình yên ngựa võng lưng đặt trên ngôi mộ của mình”. 
 
Về loại hợp chất xây đắp mộ táng, người xưa thường dùng hợp chất vôi cát có trộn lẫn với các phụ liệu như mật mía, sáp ong, mủ cây bàn chải (một loại xương Rồng),... Những vật liệu trên nếu được pha trộn đúng tỷ lệ sẽ tạo thành khối kết dính rất bền chắc. Tùy đặc điểm địa hình của những nơi xây mộ mà vật liệu đá có mặt trong công trình xây dựng nhiều hay ít. Chẳng hạn như khu mộ tại núi A Mang nơi sẵn có đá tự nhiên dồi dào nên vật liệu đá chiếm tỷ lệ lớn, còn vôi cát chỉ được sử dụng để làm mạch kết dính và trát phủ lên bề mặt. Trái lại, các khu mộ ở Bình Thạnh và Chánh Nam được xây dựng trên những vùng cát ven sông và ven biển nơi có nguồn nguyên liệu cát và nguyên liệu để tạo thành vôi xây rất dồi dào nên thành phần hợp chất này chiếm tỉ lệ lớn trong các di tích mộ táng (có mộ đắp toàn bằng vôi cát), vật liệu đá cũng được sử dụng nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ.
Mộ táng hình Kiều Ngựa
 
Từ lâu nay đã có rất nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá đến tham quan, nghiên cứu, ba khu mộ cổ nói trên. Tuy nhiên việc tìm lời giải cho những ngôi mộ đá cổ này vẫn là một bí ẩn cần nhiều thời gian để nghiên cứu, khám phá. Có điều nhiều người không khỏi chạnh lòng khi thấy những ngôi mộ cổ đang dần bị thời gian phá hủy. Việc cần làm ngay là lập hồ sơ khoa học đầy đủ để các khu mộ cổ này được công nhận là di tích cấp tỉnh. Từ đó có giải pháp bảo tồn phù hợp một loại hình di sản văn hóa độc đáo.
Th.s Nguyễn Hoài Sơn -Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên