Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Lê Hăng (51 tuổi, thôn Đông, xã Ninh Vân) trông hoàn toàn khỏe mạnh, không giống một người bệnh xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối như trong bệnh án ông cho chúng tôi xem.
Chữa bệnh hiểm nghèo
Ông Hăng kể khoảng tháng 5-2011, bệnh xơ gan cổ trướng của ông phát nặng, bụng trướng lên, không thể đi lại, bệnh viện trả về đợi chết. Khi cả gia đình chuẩn bị lo hậu sự, một người tên Sinh (là công nhân làm đường từ nơi khác đến, chơi thân với ông Hăng) biết bệnh tình của ông, liền vào rừng đào cây thuốc mà theo ông Sinh được đồng bào dân tộc thiểu số bày cho, về đưa cho ông nấu uống.
Theo lời dặn của ông Sinh, cây này không được rửa qua nước, chỉ xắt nhỏ, phơi khô, nấu với nước uống như uống trà.
“Uống khoảng một tuần tôi thấy người dễ chịu. Uống khoảng hai tháng thì da bắt đầu hết vàng, bụng và chân tay xẹp lại dần. Khoảng sáu tháng thì tôi ăn ngon, ngủ ngon và khỏe mạnh. Đến nay tôi vẫn kiên trì uống nước này thay nước”- ông Hăng kể lại.
Ông Hăng cho biết có người nhờ uống thuốc này mà hết bị viêm gan siêu vi B, bệnh gout... “Do cây thuốc này gần cạn kiệt mà trong rừng có nhiều cây hình dáng giống nhau nên người ta lên rừng chặt cả cây không đúng loại tôi đã uống đem về bán. Nhiều người ở nơi khác từ Hà Nội, Sài Gòn... cũng lặn lội đến Ninh Vân mua thuốc”- ông Lê Hăng băn khoăn.
Ông Hàng Văn Hướng, phó chủ tịch UBND xã Ninh Vân, cho biết thời điểm khi ông Hăng mới khỏi bệnh, mỗi ngày có khoảng 30 người lên rừng tìm cây thuốc, một người đào được khoảng 10kg thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện cây thuốc đã khan hiếm nên chỉ còn vài người kiên trì đi tìm. Không biết cây thuốc đó tác dụng thật sự thế nào, nhưng sau khi ông Hăng khỏi bệnh thì hầu hết gia đình trong xã đều dùng cây này nấu uống thay nước lọc.
“Chúng tôi chỉ theo dõi, ghi nhận và báo cáo lên thị xã chứ không có biện pháp gì can thiệp. Từ lúc có cây thuốc lạ tới nay, tình hình an ninh trật tự tại địa phương vẫn ổn định. Số người lên rừng chỉ tìm đào cây thuốc chứ không phá rừng…” - ông Hướng cho hay.
Sẽ họp bàn với chuyên gia y học
Mặc dù được ông Sinh chỉ cho “thần dược”, nhưng ông Hăng lại không biết ông Sinh ở đâu. Ông Nguyễn Bá Trọng, cán bộ UBND xã Ninh Vân, một trong những người đầu tiên đi đào cây thuốc này, hiện có hàng chục bao tải cây thuốc đã được xắt nhỏ phơi khô, nói: “Tôi không biết cây này tên là gì, trước đó chưa từng gặp. Khi đi đào tôi thấy cây có gai, to nhất bằng cổ chân, thân cây vừa đứng, vừa như dây leo, rễ bám sâu vào đá rất khó đào”.
Trong khi đó, ông Trịnh Tiến Khoa, giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa, cho biết do không xác định được đây là cây gì nên đã chỉ đạo trạm y tế Ninh Vân khuyến cáo người dân không nên sử dụng rộng rãi cây thuốc này.
Còn ông Bùi Xuân Minh, giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết đã nhận được văn bản báo cáo và mẫu cây thuốc lạ từ Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa. Theo ông Minh, sau khi tổ chức cuộc họp với các chuyên gia y học trong tỉnh, ông mới quyết định có gửi cây thuốc này đi kiểm nghiệm hay không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS dược học Nguyễn Thướng - chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa - cho biết: “Quan điểm của tôi là khuyến cáo người dân không dùng tràn lan khi cơ quan chức năng chưa thẩm định, nhưng biết đâu đây là cây thuốc quý mới được dân gian phát hiện.
Từ xưa có nhiều loại thuốc quý được lấy từ kinh nghiệm dân gian như cây trinh nữ hoàng cung trị u xơ tuyến tiền liệt, cây thanh cao hoa vàng trị sốt rét… Vì vậy chúng ta nên trân trọng những thông tin từ người dân và xác minh một cách nghiêm túc tuy việc này mất nhiều thời gian”.
Hiện thời không nên sử dụng
TS Phạm Đông Phương - phó trưởng khoa dược Đại học Y dược TP.HCM, giám đốc Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu phát triển thuốc nguồn gốc tự nhiên - cho biết khoa dược đã nhận lời mời hợp tác nghiên cứu của TS Nguyễn Thướng - chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa.
“Chúng tôi đã lấy mẫu cây đang được sử dụng. Từ các mẫu này chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia thực vật để xác định tên cây. Cùng với việc xác định tên cây, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu về thành phần hóa học, độc tính và tác dụng sinh học của cây” - ông Phương nói. Chỉ khi có những kết quả chính xác về tác dụng của cây này mới có thể đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng với liều lượng hợp lý, hiệu quả. Đồng thời cần có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý.
Theo ông Phương, phải mất hàng năm để có thể đưa ra kết luận cuối cùng về tác dụng của “cây thuốc lạ”. Do đó trong thời gian còn đang nghiên cứu, đề nghị người dân không nên sử dụng vì chưa lường được tác dụng cũng như độc tính của cây.
Ngoài ra, ông Phương lưu ý cần hết sức thận trọng khi thông tin về các trường hợp được cho là khỏi các bệnh nhờ uống “cây thuốc lạ” này. Phải kiểm chứng dựa trên hồ sơ bệnh án của từng trường hợp với đầy đủ xét nghiệm, kết luận của cơ sở y tế cụ thể về tình trạng bệnh trong từng thời điểm trước, trong và sau khi dùng “cây thuốc lạ”.
QUỐC NGỌC |