Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhọc nhằn học trò vùng cao

(10:16:06 AM 01/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Hàng trăm học sinh phải ngồi học trong những điểm trường tồi tàn, nắng dọi mưa dột. Có trường, học sinh phải đứng học vì bàn ghế vượt chuẩn so với thể trạng của các em

Đó là tình trạng đang diễn ra ở nhiều trường tiểu học tại huyện vùng cao Tây Trà - Quảng Ngãi. Trước đây, trường học của các em cũng không đến nỗi nào nhưng từ khi phải di dời để nhường chỗ cho dự án hồ chứa nước Nước Trong, học sinh phải học trong những điểm trường tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ.

 

Không tài nào chịu nổi

 

Trên con đường công vụ dẫn vào lòng hồ Nước Trong, nhìn xuống vực sâu, chúng tôi chú ý đến một túp lều được dựng bằng tre nứa, bao quanh là những tấm bạt ni lông và mái được lợp tôn. Khi ông Hồ Minh Trí, trưởng thôn Tre, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, đưa tay chỉ túp lều xiêu vẹo, giới thiệu “trường học đó”, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng.
Bàn ghế quá khổ khiến học sinh tại điểm trường Trà Veo phải… đứng học
 

Trời nắng nóng như thiêu đốt nhưng hơn 50 học sinh tại Trường Tiểu học Trà Thọ vẫn kiên trì bám lớp. Chỉ những con chữ lem luốc trên trang vở các học sinh, cô giáo Trang Thị Mỹ Nga giải thích: “Do nóng quá, các em ngồi học đổ mồ hôi, dùng tay quệt rồi lại ghi bài tiếp nên vở lấm lem thế này”.

 

Hầu hết các học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống gia đình rất khó khăn. Vì vậy, để các em đi học hằng ngày là một việc hết sức khó khăn của nhà trường. Nhìn cảnh học sinh ngồi học trong túp lều tối om và nóng rát, nhiều em áo ướt đẫm mồ hôi như phải làm việc vất vả, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

 

“Không chỉ học sinh mà giáo viên như tụi tôi cũng không tài nào chịu nổi cảnh thế này. Nhiều em học sinh do không chịu nổi nóng bức nên đau ốm liên miên. Nắng nóng, cộng với mái tôn mỏng tang nên trẻ không tài nào chịu nổi, nhất là những tiết học đầu giờ chiều” - cô Mỹ Nga ngậm ngùi.

 

Theo cô Trang, trước đây, học trò vùng này được học trong một ngôi trường bê tông khá kiên cố. Sau khi di dời trường nhường chỗ cho dự án lòng hồ Nước Trong, cô và trò phải dạt về điểm trường tồi tàn này. “Chỉ tội mấy đứa trẻ phải học hành ở những nơi tệ hại thế này. Không biết đến bao giờ, bọn trẻ của làng mới được học ở trường khang trang” -  ông Trí rầu rĩ.

 

Học phải… đứng!

 

Cũng học trong những căn phòng nóng như thiêu đốt nhưng học sinh ở điểm trường Trà Veo, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (thuộc Trường Tiểu học – THCS Trà Xinh) còn nhọc nhằn hơn. Học sinh ở đây phải học trong những căn phòng ọp ẹp và gần như tất cả đều phải… đứng. Các em phải ngửa cổ,  ghì mặt sát vào bàn để viết bài vì bàn ghế ở đây quá cũ kỹ và quá khổ so với thể trạng của học sinh cấp 1-2.

 

Điểm trường Trà Veo có 68 học sinh với 4 lớp học nhưng do chỉ có 2 phòng nên phải chia làm 2 ca sáng và chiều. Phòng học không có điện, trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột. Cô Hồ Thị Hiệp, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Trà Xinh, cho biết: “Những ngày trời nắng nóng như thế này, buổi sáng, chúng tôi thường cho các em nghỉ trước giờ quy định và chiều vào lớp muộn hơn. Tuy nhiên, nhiều học sinh không thể sáng vào lớp sớm, chiều ra muộn được bởi nhà ở quá xa. Để bớt nắng, chúng tôi đành dùng bạt che quanh lớp. Do bàn ghế quá cao, ngồi trên ghế thì sẽ không thể nào viết được bài nên các em phải đứng”.

 

Theo ông Phạm Sơn, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tây Trà, việc học trò tại điểm trường Trà Veo phải đứng học là do bàn ghế ở đó chỉ dành cho học sinh cấp 2 trở lên. “Biết là việc học của các em rất khó khăn và ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng đành chịu” - ông Sơn nói.
 
 

Chờ xây, sửa

Ông Phạm Sơn cho biết trong năm học tới, Phòng GD-ĐT huyện Tây Trà sẽ phối hợp cùng UBND huyện, xã sửa chữa các điểm trường tạm. “Năm nào phòng cũng mua sắm thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường. Tuy nhiên, học sinh tại các điểm trường tạm phải chờ xây, sửa xong trường thì chúng tôi mới có thể hỗ trợ cơ sở vật chất. Vì hiện nay, nếu mua bàn ghế và đồ dùng học tập về các trường tạm này thì cũng như bỏ vào nhà trống vì không có người bảo quản, sẽ dẫn đến hư hỏng” – ông lý giải.

Bài và ảnh: NIÊM HÀ (NLĐ)