Hầu hết các chuyên gia độc lập cũng như một số ĐBQH tham dự cuộc họp của Ủy ban KH-CN-MT sáng 28.4 đều cho rằng các nguyên nhân cháy nổ xe mà các bộ ngành vừa nêu chưa thực sự thuyết phục, trong khi mọi nghi vấn vẫn tập trung vào “tác nhân” xăng dầu.
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Hải, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của QH, ghi nhận sự vào cuộc của các bộ ngành thời gian qua để tìm nguyên nhân cháy nổ xe, nhưng cho rằng “tất cả các lý do nêu ra chưa giải thích được tại sao thời gian qua xuất hiện nhiều, nhanh, dồn dập cháy nổ các phương tiện giao thông như thế”.
|
Dù khẳng định trong các trường hợp cháy nổ xe vừa qua “chưa bao giờ có sự cháy nổ xảy ra với xe công”, nhưng bà Hải cho biết "vẫn phải dặn lái xe riêng lưu ý nơi đổ xăng" để đề phòng tối đa sự cố cháy nổ, đồng thời đề nghị: “Các cơ quan liên quan cần đưa ra được những thông tin rõ ràng hơn để khuyến cáo người dân. Chẳng hạn Bộ GTVT nghiên cứu điều tra xã hội học để biết rõ xác suất các vụ cháy nổ xe có phải do người tiêu dùng cùng mua xăng ở một số cây xăng nhất định. Hay Bộ Khoa học - Công nghệ phải có số liệu thông tin cụ thể về việc có bao nhiêu phần trăm xe cháy nổ vừa qua do lắp thêm các đồ chơi như ở xe hơi, hay mở rộng cốp xe so với chuẩn thiết kế như một số loại hình xe máy..., để từ đó khuyến cáo cho người sử dụng biết phòng tránh”.
“Phải gắn kết quả điều tra với thực tiễn để đưa ra so sánh, dự báo chính xác cho người dân biết mà phòng tránh”, bà Hải đề nghị sau khi nghe các bộ ngành đề cập đến các giả thiết liên quan dẫn tới cháy nổ xe nhưng lại không đưa ra được số liệu điều tra cụ thể làm căn cứ khoa học cho các giả định này.
Cùng quan điểm trên, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cho rằng các báo cáo của bộ ngành về việc kiểm định, điều tra mẫu xăng cũng như chất lượng xăng dầu thời gian qua để xác định nguyên nhân cháy nổ xe chủ yếu “vẫn nặng về xử phạt hành chính, kiểm tra bắt bớ trong khi mấu chốt của việc tìm ra nguyên nhân là phải kiểm tra về vấn đề kỹ thuật”.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên bên lề phiên họp, GS Hồng cho rằng những lý giải vừa qua về nguyên nhân bước đầu cháy, nổ xe thể hiện “trình độ của chúng ta quá thấp trước một vấn đề bức xúc xã hội, không theo kịp đòi hỏi thực tiễn”. “Cháy nổ theo báo cáo là do nhiều yếu tố nhưng tôi cho rằng chủ chốt vẫn là yếu tố kỹ thuật, vì cháy nổ là do vật chất sinh ra. Vì vậy, phải mời được chuyên gia đầu ngành về cháy nổ để người ta kết luận nguyên nhân. Sau khi có kết luận đầu tiên của chuyên gia mới quyết định đi theo hướng điều tra nào để trả lời nhân dân, trước khi vội vàng thực hiện các đề tài nghiên cứu khác”, GS Hồng nói.
|
Cũng theo GS Hồng, nếu chuyên gia kết luận do xăng dầu thì sau đó cơ quan chức năng phải tập trung làm rõ các yếu tố liên quan, có phải do nhập từ nước ngoài về hay do tỷ lệ pha chế, phương pháp pha chế ở trong nước. “Còn nếu cứ như báo cáo hôm nay của các bộ, ngành thì không tìm ra được nguyên nhân cụ thể nào cả”, ông Hồng bày tỏ.
Vẫn nghi ngờ tác nhân gây cháy liên quan đến chất lượng xăng dầu và tỷ lệ pha chế, PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, đề nghị Bộ Công thương làm rõ xăng dầu được nhập về tại 13 doanh nghiệp đầu mối hiện nay là xăng nguyên liệu hay đã được pha chế sẵn. Nếu nhập nguyên liệu về pha thì tỷ lệ cụ thể pha chế theo quy chuẩn thế nào, có nằm trong giới hạn tiêu chuẩn hay không.
Khẳng định “kết luận xăng dầu vô can trong việc cháy nổ xe vừa qua là chưa đủ cơ sở khoa học, phải phối hợp nhiều biện pháp để tiếp tục điều tra làm rõ”, GS Hùng đề nghị nhà nước cần có cơ sở nghiên cứu khoa học độc lập với các cơ quan quản lý để kiểm tra song song với các bộ về vấn đề này”.
Người dân mong câu trả lời đanh thép
Liên quan đến việc xử lý sự cố đập thủy điện Sông Tranh, sau khi nghe đại diện đơn vị tư vấn thiết kế đập là ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1, cho rằng việc thiết kế đập đảm bảo quy chuẩn, GS Vũ Trọng Hồng phản biện: “Một đập thủy điện mới đưa vào vận hành được 5 tháng đã xảy ra hiện tượng rò nước trong khi nhà nước quy định công trình bảo hành tối thiểu 1 - 2 năm thì đó là việc không bình thường. Và chiếu theo quy định của nhà nước thì sự việc ở đập thủy điện Sông Tranh là sự cố (vượt mức thiết kế), dù bên thiết kế khẳng định đây không phải là sự cố”.
|
GS Hồng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm duyệt thiết kế công trình này và xem lại Nghị định 209 về quy trình xử lý sự cố công trình. “Để bảo vệ cho người dân hạ du, phải đánh giá được độ ổn định của đập thông qua các chuyên gia đầu ngành. QH phải đề nghị có đoàn giám sát đánh giá lại và nêu rõ trường hợp sóng lũ lên mức nào thì vỡ đập để dân còn kịp sơ tán khi có sự cố, bởi đập này 90m là cao lắm”, GS Hồng cảnh báo và cho rằng với sự cố thế này, cơ quan quản lý nhà nước cần có quan điểm và cách nhìn nhận trung lập so với chủ đầu tư để có những đánh giá khách quan trong việc xem xét mức độ sự việc cũng như trách nhiệm các bên liên quan.
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Hải cũng nhấn mạnh: “Cử tri rất mong muốn có một cơ quan nhà nước đứng ra bảo đảm, khẳng định không bao giờ có thể xảy ra vỡ đập được. Người dân mong muốn câu trả lời đanh thép của nhà quản lý để yên tâm sinh sống”.
Có mặt tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp này, đồng thời thừa nhận: “Việc thấm nước tại đập thủy điện Sông Tranh cao hơn so với tiêu chuẩn cho phép là chuyện không mong muốn, nguyên nhân chính là thấm qua các khe nhiệt. Hiện nay, Bộ Công thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ đầu tư để khẩn trương xử lý”. Ông Vượng cho biết, hôm qua đã gọi điện cho đoàn đàm phán với các chuyên gia Trung Quốc để thống nhất tiến độ dự kiến là trong vòng tháng 8.2012 sẽ dán xong 10 khe nhiệt vì vốn nước thấm chủ yếu qua 10 khe này. “Nếu dán xong mà giảm được nước thấm thì yên tâm, nếu không sẽ tiếp tục xem xét để xử lý triệt để sự cố này”, ông Vượng quả quyết và cho biết thêm, thời gian tới Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan có đánh giá tổng thể sự việc này để rút kinh nghiệm cho các dự án, công trình khác.
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: “Mặc dù sự cố cháy nổ xe được nhiều cơ quan chức năng tích cực vào cuộc điều tra nguyên nhân nhưng kết quả mang lại chưa đạt được mong muốn, nguyên nhân đã nêu chưa thực sự thuyết phục lắm... Ủy ban sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tìm ra nguyên nhân cháy nổ xe cơ giới để sớm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết”. Ông Dũng cũng cho biết các nội dung liên quan đến tình hình cháy nổ xe sẽ được Ủy ban tổng hợp báo cáo, kiến nghị Ủy ban TVQH tại phiên họp đầu tháng 5 tới để Ủy ban TVQH xem xét, quyết định báo cáo QH.
Về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2, ông Dũng đề nghị các cơ quan liên quan sớm có kết luận, kiểm tra an toàn đập trong tháng 8 tới và công bố công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân yên tâm, đặc biệt là người dân ở hạ lưu đập này được yên tâm sinh sống, sản xuất.
Chưa thể kết luận nguyên nhân sạt lở bãi thải mỏ than Chiều 28.4, sau khi nghe báo cáo về nguyên nhân gây sạt lở bãi thải số 3 mỏ than Phấn Mễ (H.Đại Từ, Thái Nguyên), ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT cho rằng hiện tại chưa thể đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân gây sạt lở ở bãi thải mỏ than Phấn Mễ. Trước mắt, tỉnh Thái Nguyên cần phối hợp các sở ban ngành liên quan điều tra, sớm làm rõ nguyên nhân gây sạt lở. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra việc thực thi luật khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên; tăng cường công tác kiểm tra an toàn các khu mỏ, bãi thải khác trên địa bàn tỉnh. Thái Sơn - Lê Quân |
|