Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Năng lượng tái tạo - Giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng

(08:35:28 AM 28/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Hoạt động nghiên cứu và sử dụng các nguồn NLTT tại Việt Nam đã được triển khai từ nhiều năm trước. Từ đây, các kết quả điều tra cơ bản, nghiên cứu triển khai của nhiều cơ quan khoa học, các ngành, địa phương trong cả nước đã có những đóng góp nhất định nhằm bước đầu khẳng định vai trò, hiệu quả và khả năng phát triển NLTT, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia. Cho đến nay, mặc dù còn hạn chế song các công trình trong nước và quốc tế đã bước đầu chứng minh được tính khả thi, hiệu quả và sự cần thiết của việc phát triển NLTT đối với Việt Nam.

Ảnh minh họa


Nguồn NLTT đa dạng

Theo đánh giá tiềm năng năng lượng gió (NLG) khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia có chế độ gió và tiềm năng NLG tốt nhất, tốc độ gió trung bình năm đạt từ 8-9 m/s, phù hợp xây dựng các nhà máy điện gió công suất lớn; vùng lãnh thổ có thể khai thác hiệu quả NLG chiếm 9% diện tích cả nước. Hiện nay, năng lượng gió đã được quan tâm nghiên cứu và triển khai tại một số địa phương trên cả nước. Điển hình là dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo Phước Nam Enfinity (Bỉ) có công suất 124,5MW. Dự án phát triển điện bằng năng lượng gió và mặt trời này có tổng vốn đầu tư 5.200 tỉ đồng, triển khai trên diện tích 553 ha tại ba xã Phước Nam , Phước Minh, Phước Ninh (huyện Thuận Nam , tỉnh Ninh Thuận).


Đối với năng lượng mặt trời (NLMT), theo số liệu điều tra của ngành khí tượng thủy văn thì cường độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm ở khu vực phía Bắc là 3,69KWh/m2 và ở phía Nam là 5,9 KWh/m2. Số giờ nắng trung bình năm ở phía Bắc là 1.600 giờ và ở phía Nam là 2.700 giờ, trong đó số giờ nắng trung bình cả nước đạt 2.000 giờ với cường độ bức xạ mặt trời đạt 4,6 KWh/m2.


GS.TS Đặng Đình Thống, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Việt Nam hiện có 3 hệ thống NLMT đang được áp dụng gồm Hệ thống NLMT độc lập; hệ thống độc lập kết hợp giữa NLMT và các nguồn năng lượng khác; hệ thống NLMT nối lưới. Hệ thống thứ nhất và thứ hai là hai hệ thống chủ yếu được áp dụng ở Việt Nam , được lắp đặt tại các địa điểm chưa có điện nối lưới. Hệ thống thứ ba hiện mới được lắp đặt tại Trung tâm hội nghị quốc gia và trên mái tòa nhà Bộ Công Thương, Hà Nội.


Ngoài các nguồn năng lượng gió và mặt trời, Việt Nam còn có nhiều nguồn NLTT khác có triển vọng như năng lượng sinh khối, địa nhiệt, năng lượng biển...


Hiện nay, tiềm năng năng lượng sinh khối của Việt Nam gồm 60% năng lượng từ gỗ củi, 40% năng lượng từ phụ phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn năng lượng khí sinh học là nguồn nhiên liệu rất hữu ích, một trong những giải pháp chủ yếu bảo vệ môi trường nông thôn. Trong nhiều năm qua, hàng trăm nghìn hầm Biogas quy mô gia đình đã được xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường rõ rệt ở nông thôn nước ta. Đến nay, công nghệ Biogas không chỉ cung cấp nhiệt như đun nấu, thắp sáng, mà còn được dùng để phát điện. Viện Khoa học Năng lượng - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thử nghiệm mô hình có kết hợp đun nấu và phát điện. Kết quả thực tế rất khả quan đã mở ra khả năng nhân rộng mô hình này, đặc biệt cho vùng phát triển chăn nuôi và vùng sâu vùng xa chưa có điện lưới quốc gia.


Cần xây dựng chiến lược phát triển NLTT

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đánh giá: Nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng gấp 4 lần trong giai đoạn từ 2005 đến 2030, trong đó giai đoạn đến 2025 nhu cầu điện của Việt Nam tăng với tỷ lệ hơn 10%. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (2006- 2015), tầm nhìn 2025, đã nhấn mạnh việc phát triển nguồn điện tái tạo cho vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo.


Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Viện Khoa học Năng lượng - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngành NLTT hiện chưa được đầu tư một cách khoa học và hệ thống nhằm đánh giá chính xác tiềm năng các nguồn NLTT trên phạm vi cả nước. Những nghiên cứu triển khai trước đây mặc dù thể hiện những nỗ lực cố gắng rất lớn của các nhà khoa học, song kết quả đạt được còn quá nhỏ bé, phân tán, ít hiệu quả, quy mô nhỏ và chưa bền vững, chủ yếu là các mô hình cấp điện cho nhu cầu tối thiểu của cư dân vùng sâu vùng xa. Ngay cả ở các khu vực này, nhiều đề tài ứng dụng đã được triển khai, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được giải pháp công nghệ cấp điện nào thích hợp và bền vững cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.


GS.TS Đặng Đình Thống, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng và phát triển NLTT ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, chưa có vai trò trong hệ thống năng lượng Việt Nam do nguồn kinh phí đầu tư nghiên cứu triển khai cho lĩnh vực NLTT còn phân tán và hiệu quả sử dụng thấp, chưa có những giải pháp thiết thực, cụ thể, mang tính tổng thể...


Để phát triển nhanh chóng, rộng rãi và hiệu quả nguồn NLTT rất sẵn có này, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Năng lượng kiến nghị Việt Nam cần triển khai ngay một số vấn đề có tính then chốt như: Xây dựng chính sách hỗ trợ, đặc biệt sớm ban hành Luật NLTT nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi có tính đột phá giúp đẩy mạnh khai thác sử dụng các nguồn NLTT của Việt Nam; thực hiện điều tra cơ bản đánh giá tiềm năng tất cả các nguồn NLTT, trước mắt ưu tiên cho những nguồn có tiềm năng lớn, có tính khả thi cao như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt... Chính phủ cần xác định phát triển NLTT là một nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên, là một giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, cần sớm hình thành chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về năng lượng mới và tái tạo.

TTXVN