Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Gần 200 cơ sở chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại

(23:52:11 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Hầu hết các cơ sở, trong số 200 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại, không có trạm xử lý nước thải.

Hầu hết các cơ sở, trong số 200 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại, không có trạm xử lý nước thải.

 

Báo Kinh Tế&Đô Thị dẫn lời phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Vũ Hồng Khanh, cho biết, hiện trên địa bàn vẫn tồn tại khoảng 200 cơ sở sản xuất công nghiệp cũ, quy mô nhỏ, nằm xen kẽ, phân tán trong các khu dân cư.

 

Hầu hết các cơ sở này đều sản xuất với công nghệ lạc hậu, nên phần lớn chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại, không có trạm xử lý nước thải.

 

Theo quy hoạch phát triển của TP, các khu công nghiệp cũ này sẽ phải cải tạo, di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành hoặc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất.

 

Cũng theo Phó chủ tịch UBND TP, hiện có ba trong tổng số sáu khu công nghiệp mới tập trung đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật (Nội Bài, Sài Đồng B, Bắc Thăng Long) và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

 

Chỉ có khu công nghiệp Bắc Thăng Long xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn khu công nghiệp Nội Bài xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt.

 

Ngoài ra, trong tổng số 13 cụm công nghiệp vừa và nhỏ thì đến nay chỉ có cụm công nghiệp vừa và nhỏ Cầu Giấy hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại đều chưa thực hiện đầu tư xây dựng.

 

16 cơ sở nằm trong danh sách phải xử lý

 

Theo An Ninh Thủ Đô, Hà Nội có 16 cơ sở nằm trong danh sách phải xử lý gồm bãi rác, các cơ sở sản xuất công nghiệp, các bệnh viện. Đến nay, đã có 8 cơ sở hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để hoặc không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Tám cơ sở còn lại đã và đang triển khai một số biện pháp thực hiện xử lý ô nhiễm. Về việc chậm tiến độ xử lý ô nhiễm, di dời, UBND TP cho biết, chủ yếu bởi nguồn kinh phí rất lớn và thời gian thực hiện kéo dài.

 

Ngoài ra, việc di chuyển các cơ sở sản xuất lớn như Công ty Rượu Hà Nội, Công ty Dệt 8-3 và Công ty Dệt may Hà Nội lại phải đảm bảo sản xuất kinh doanh nên cần phải có thời gian thực hiện và lộ trình hợp lý.

 

Theo UBND TP, để di dời được sớm, Bộ Công thương cần chỉ đạo và ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ các công ty trên thực hiện việc di chuyển.

 

PV (tổng hợp)