Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tuổi trẻ đang chịu nhiều áp lực

(14:00:03 PM 26/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Thế giới đang đối diện với nhiều thử thách cả trong cuộc sống xã hội lẫn chính trị. Thanh thiếu niên đang đối mặt với những rủi ro xuất phát từ sự phát triển lệch lạc, đi cùng điều kiện xã hội không đảm bảo. Đó là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại kỳ họp kéo dài một tuần với sự tham gia của các đại diện thuộc 500 tổ chức phi chính phủ do Ủy ban Dân số và Phát triển tổ chức tại Trụ sở LHQ (New York) tổ chức.

Tương lai bị bào mòn

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và tuần báo y khoa nổi tiếng The Lancet của Anh vừa đưa ra những báo cáo riêng biệt nhưng có cùng nội dung đề cập đến chất lượng sống đáng lo ngại của người trẻ trên thế giới. Tư duy thụ động, khép kín giao tiếp, nghiện ngập, có cái nhìn tiêu cực dẫn đến tự tử hàng loạt là hiện tượng không chỉ có ở những quốc gia phát triển, mà còn lan dần sang những quốc gia nghèo hoặc đang phát triển. Bên cạnh đó, tử vong do tai nạn giao thông, điều kiện y tế kém, bệnh AIDS, bạo lực… đang xâm hại nghiêm trọng đến nhóm người trẻ.

 

Nhóm “Những người thay đổi thế giới” (World Changer) của Mỹ trong dự án hỗ trợ một khu dân cư ở Mexico.

 

The Lancet đã tiến hành khảo sát đối với 1,8 tỷ thanh thiếu niên ở độ tuổi 10-24 trên toàn thế giới. Đây là nhóm chiếm tỷ lệ đông nhất trong số 7 tỷ người trên toàn cầu. Theo kết quả, giới trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn, trong đó nguyên nhân xuất phát từ lối sống tiêu cực. Ở các nước thu nhập thấp, điều kiện để phòng các bệnh lây nhiễm, rủi ro tai nạn (như tai nạn giao thông, lao động), sức khỏe sinh sản cho bà mẹ… rất kém. Bị thương dẫn đến tử vong chiếm 40% trường hợp tử vong ở nhóm 10-24 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ này so với dân số toàn thế giới là 10%. Báo cáo UNICEF thì chỉ ra, 1,4 triệu thanh thiếu niên 10-19 tuổi chết mỗi năm vì tai nạn giao thông, tự tử, bạo lực, AIDS, nghiện ngập…



Ở những nước giàu có, phát triển, giới trẻ được bao quanh bởi những chiến dịch quảng cáo loại thực phẩm có lượng đường, chất béo, muối cao. Đây là nguyên nhân gây tình trạng béo phì, bệnh tiểu đường… Thói quen dành quá nhiều thời gian để lướt web giải trí, giao tiếp trên mạng xã hội thay cho trò chuyện trực tiếp khiến người trẻ trở nên thụ động, gặp nhiều vấn đề về tâm lý.



Xét nhóm 10-24 tuổi trong 27 nước giàu thì tỷ lệ tử vong cao nhất là ở Mỹ, chủ yếu là do bạo lực và tai nạn giao thông, tiếp đó là New Zealand và Bồ Đào Nha. Trong khi đó, khu vực Nam Phi có tỷ lệ tử vong ở nam giới hơn gấp 8 lần các nước giàu, nữ giới cao hơn gấp 30 lần. Quốc gia Đông Nam Á Singapore là nước có tỷ lệ tử vong trong thanh thiếu niên thấp nhất, chỉ bằng 1/3 ở Mỹ. Hà Lan và Nhật Bản xếp vị trí tiếp theo.

 

Cộng đồng hỗ trợ

 

Theo AFP, phát biểu trước phiên khai mạc kỳ họp do Ủy ban Dân số và Phát triển tổ chức tại trụ sở LHQ (New York) tổ chức, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các nước cần thực hiện tốt các chương trình chăm sóc y tế tái sản xuất cho thanh niên cũng như tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận các thông tin và phương tiện nhằm bảo vệ bản thân trước những rủi ro về sức khỏe, không bị lạm dụng tình dục và bạo lực.



Ông Ban Ki-moon yêu cầu các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân tích cực giúp đỡ thanh niên được tiếp cận giáo dục, nuôi dưỡng thích hợp và việc làm. Tổng thư ký nhấn mạnh, Hội nghị Phát triển Bền vững của LHQ (Rio+20), được tổ chức tại Brazil trong tháng 6-2012 sẽ là cơ hội cho các nước đổi mới cam kết nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh niên cũng như để thế giới thúc đẩy tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vì mục đích của hành tinh và nhân loại, trong đó bảo đảm thanh niên sẽ có vị trí trong tất cả các chương trình quốc tế.

 

Theo ông Ban Ki-moon, thế giới có 1,2 tỷ thanh niên, phần lớn sống ở các nước đang phát triển. Vì vậy, tạo điều kiện để họ tiếp cận được điều kiện sống tốt, có được đại diện trong LHQ để tham gia đóng góp sáng kiến cho phát triển là điều tiên quyết.

Như Quỳnh (SGGP)