Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
|
Các vết dầu loang tại sông Yenisei ở Siberia - Ảnh: Reuters |
Chính quyền khu tự trị Nenets (Nga) cho biết vụ tràn dầu bắt đầu vào ngày 20-4 và kéo dài đến ngày 24-4. Trung bình mỗi ngày các giếng dầu tràn ra khoảng 500 tấn dầu.
Chính quyền ước tính khu vực bị ô nhiễm do dầu loang rộng chừng 5.000m2. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên thiên nhiên Nga cho biết khu vực bị ảnh hưởng lên đến 8.000m2.
Theo ông Viktor Ivkin - người đứng đầu chi nhánh của Bộ Tình trạng khẩn cấp khu tự trị Nenetsky, có khả năng một đầu ống dẫn bị nứt ra khi công nhân vận hành một giếng dầu cũ khiến dầu tràn ra ngoài lớp băng.
“Các công nhân không thể kiểm soát được giếng dầu, nhưng may mắn là các giếng dầu không nằm quá gần bờ biển”, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) cho biết. Dù vậy, hôm 24-4 WWF cũng lên tiếng cảnh báo vụ tràn dầu tại vùng biển Bắc cực đang là mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển Barents.
Nơi tràn dầu là một khu vực không có người sinh sống nhưng cách biển Barents chỉ vài chục cây số. Hình ảnh do Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cung cấp cho thấy tại một số nơi, dầu hiện vẫn còn phun lên khỏi mặt băng.
Giếng dầu tràn thuộc khu vực liên doanh của hai công ty dầu khí Nga là Lukoil và Bashneft. Liên doanh này được cấp phép khai thác dầu tại khu vực phía bắc khu khai thác dầu Trebs (thuộc vùng Nenets) vào năm 2011.
Các tổ chức bảo vệ thiên nhiên cho rằng nguy cơ tràn dầu vẫn treo lơ lửng trên đầu các sinh vật hoang dã tại Bắc cực. “Tai nạn tràn dầu cho thấy việc mở rộng khai thác dầu tại khu vực Bắc cực gây nguy cơ ô nhiễm lớn tại khu vực này”, WWF dẫn lời chuyên gia năng lượng Alexei Knizhnikov cho biết.
“Tôi hi vọng dầu loang sẽ không lan tới luồng nước biển. Sẽ rất đáng ngại nếu điều đó xảy ra. Bởi lẽ tuyết trong khu vực này sắp tan, trong khi chim bắt đầu di cư ồ ạt, do đó sẽ gây ra những hậu quả sinh thái vô cùng nghiêm trọng. Giếng dầu chỉ cách biển Barents vài chục kilomet. Khu vực này còn có rất nhiều hồ gần biển, nơi cư trú của hàng trăm ngàn chim di cư vào mỗi mùa hè”, Reuters dẫn lời ông Alexei Knizhnikov, quan chức của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới tại Nga, cho biết.