Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong cao do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời, khoảng 200-230 ca/triệu dân/năm
Ô nhiễm bụi tại nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đang ở mức báo động. Ảnh: t.hồng
Ô nhiễm không khí được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng vì nó là nguyên nhân của nhiều loại bệnh như ung thư phổi, viêm phổi, suyễn, viêm phế quản, hen phế quản, cảm cúm...
Theo báo cáo của Viện Y học Lao động, cứ 100.000 người có 415 người viêm phổi, 309 người viêm họng và viêm amidan cấp, 305 người viêm phế quản và tiểu phế quản cấp. Nghiêm trọng hơn là tỉ lệ bệnh ngày càng tăng.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), VN là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời, khoảng 200-230 ca/triệu dân/năm.
Theo báo cáo kết quả quan trắc và giám sát chất lượng môi trường năm 2007 của Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM, giá trị giới hạn đối với bụi đặc biệt là bụi, lơ lửng, trung bình 1 giờ là 0,3 mg/m3, trung bình 24 giờ là 0,2 mg/m3, nồng độ bụi trung bình đo được trong ngày tại một số khu vực quận Tân Bình: 0,57 mg/m3.
Khu vực quận 9 và Thủ Đức, dọc theo xa lộ Hà Nội, đặc biệt đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái, nồng độ bụi trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép 1,3 – 7,1 lần do nơi đây tập trung nhiều nhà máy.
Đất chết, người bị bệnh
Khu vực Nam Bộ hiện có gần 60 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) đang hoạt động với lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải rắn nguy hại khổng lồ đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống.
Hiện nay, nhiều nguồn nước thải, chất rắn nguy hại ở các KCN chứa các kim loại nặng độc hại như: Cd, As, Cr, Cu, Zn, Ni, Pb và Hg, các chất hữu cơ khó phân hủy đã ảnh hưởng đến môi trường đất.
Bởi chất thải chưa xử lý tốt từ các nhà máy, xí nghiệp ngày càng tích tụ đáng kể trong nước ngầm và đất quanh vùng, khiến trong quá trình hút thức ăn và nước một cách bị động, cây trồng cũng bị tích lũy một lượng kim loại nặng đáng kể.
Ăn rau, cây trồng này lâu ngày, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng. Việc tích lũy cadmium trong cơ thể sẽ làm con người bị thiếu hồng huyết cầu, bị tổn hại ở phổi, cuống phổi, bộ phận tiêu hóa, gan và đặc biệt là thận và các bệnh về xương.
Nước sinh hoạt chính cho đô thị và nông thôn cũng bị ô nhiễm. Đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn và những người có thu nhập thấp thường sử dụng trực tiếp nước sông.
Đây là nguyên nhân gây hại sức khỏe con người, dẫn đến các bệnh đường ruột, phụ khoa, da liễu, thậm chí gây ra các bệnh ung thư...
Nguồn nước bị đầu độc
Ô nhiễm nước đang được coi là vấn đề cấp bách và được quan tâm nhất. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nước thải được xử lý từ các KCN chỉ chiếm gần 20 phần trăm tổng lượng nước thải.
Tuy nhiên, tỉ lệ nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn còn ít hơn nhiều. Nguồn tiếp nhận nước thải của các KCN này là khu vực trung và hạ lưu sông Đồng Nai (KCN của Đồng Nai, Bình Dương), sông Sài Gòn (KCN của TPHCM, Bình Dương) và sông Thị Vải (KCN của Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu).
Tại KCN Biên Hòa 1, hơn 60 nhà máy đã xả thải ra sông Đồng Nai với lưu lượng nước thải hơn 200.000 m3/ngày đêm với mức độ nhiễm bẩn khác nhau.
Hàm lượng chất rắn lơ lửng thường vượt tiêu chuẩn từ 3-9 lần, giá trị COD vượt từ 1,8 – 2,8 lần, giá trị DO thấp dưới giới hạn cho phép.
Hệ thống sông Sài Gòn bị ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh và một số nơi có dấu hiệu bị ô nhiễm kim loại nặng. Đó là khu vực cầu Bến Súc, cửa sông Thị Tính.
Chất lượng nước của sông Bé, Đa Nhim – Đa Dung phần hạ lưu cũng đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Hàm lượng sắt trên sông Bé rất cao, vượt tiêu chuẩn (loại A) từ 10-12,5 lần, điều này khiến cho việc sử dụng nước sông để cấp nước sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Ô nhiễm nhất trong khu vực là sông Thị Vải, có một đoạn sông chết dài trên 10 km.
(Theo Người Lao Động)