(Tin Môi Trường) - Hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Serpantine và phân bón Thanh Hóa đang cố tình “lách luật” để đầu cơ kiếm lời, đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước
Công ty cổ phần Serpantine và phân bón Thanh Hóa đang không minh bạch trong việc khai thác khoáng sản
“Nhập nhèng” khi luật mới sửa đổi?
Công ty cổ phần Serpantine và phân bón Thanh Hóa (gọi tắt là Công ty Serpantine Thanh Hóa) tiền thân là xí nghiệp Serpantin và hóa chất Thanh Hóa thuộc Tổng Công ty phân bón và hóa chất cơ bản - Bộ Công Nghiệp Nặng (CNN). Năm 1996, xí nghiệp đổi tên thành Công ty Secpentin và hóa chất Thanh Hóa có trụ sở tại xã Hoằng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Năm 2004, chuyển đổi thành Công ty Cổ phần nhưng Công ty không khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản để điều chỉnh tên Doanh nghiệp tại giấy phép khai thác mỏ đã được cấp.
Công ty Serpantin Thanh Hóa được Bộ công nghiệp nặng cấp giấy phép khai thác số 147/CNNg/KTM ngày 17/4/1991. Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn làm thủ tục để chuyển đổi tên doanh nghiệp cũng như làm thủ tục để cấp lại giấy khai thác thì Công ty này lại tỏ ra “lề mề” trong việc thực hiện hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Từ đó cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty SerpantineThanh hóa “không minh bạch” mặc dù đã có luật khoáng sản ra đời từ năm 1996 và sửa đổi năm 2005.
Để thực hiện kết luận thanh tra của Bộ TNMT, Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 2390/STNMT-TNKS ngày 14/7/2008 yêu cầu Công ty SerpantineThanh hóa làm thủ tục xin cấp lại giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản. Đến ngày 18/5/2009, Bộ TNMT cũng đã yêu Công ty SerpantineThanh hóa thực hiện các thủ tục trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy phép khai thác Serpantin thay thế Quyết Định về việc giao khu vực khai thác mỏ số 147 CNNg/KTM ngày 17/4/1991 của Bộ CNN phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản hiện hành.
Ngày 17/11/2010, Luật Khoáng sản 60/2010/QH 12 sửa đổi có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/7/2011, theo đó “ Cáctổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép”- Trích điều 84-Luật Khoáng sản 60/2010/QH12. Căn cứ vào Luật Khoáng sản (sửa đổi) thì Công ty Secpentin Thanh Hóa phải có giải trình để làm thủ tục cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản. Thế nhưng cho đến thời điểm này thì Công ty SerpantineThanh Hóa dường như vẫn “án binh bất động” nhằm tránh “tổn thất” khi xin cấp giấy phép mới!
Trước “diễn biến không bình thường” của Công ty Serpentine Thanh Hóa, ngày 15/12/2010 Cục Địa Chất Khoáng Sản Việt Nam (ĐCKSVN) về kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty này. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra kết luận rằng: Công ty Secpentin Thanh hóa đang khai thác tại xã Tế Lợi (chứ không phải xã Tế Thắng trong đăng ký) thuộc huyện Nông Cống. Tại Quyết định cấp phép số 147 CNNg/KTM không ghi thời hạn, tuy nhiên thời hạn xin khai thác tại đơn xin khai thác của Xí Nghiệp Secpentin Thanh Hóa trước đây số 08/KH-KT ngày 30/3/1991 đề nghị là 15 năm với công suất khai thác là 30.000-50.000 tấn/năm; Ngày 2/7/2009.Cục ĐCKSVN có công văn số 1146/ĐCKS-KS gửi Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đề nghị hướng dẫn rà soát các giấy phép trên địa bàn quản lý để báo cáo Cục kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức khai thác khoáng sản thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Sau khi có yêu cầu của Cục ĐCKSVN thì ngày 14/7/2009, Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa có công văn số 1276/STNMT-TNKS báo cáo có ba giấy phép được cấp trước khi có luật khoáng sản trong đó có giấy phép của Công ty SerpantineThanh Hóa.
Giấy phép khai thác được cấp vô thời hạn !
Biên bản của Đoàn kiểm tra của Sở TNMT Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công ty SerpantineThanh Hóa hoàn chỉnh hồ sơ để cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật khoáng sản. Tuy nhiên đến nay Công ty cũng không thèm thực hiện
Theo như báo cáo của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa thì, Công ty Serpantine Thanh Hóa đang trong quá trình làm thủ tục đăng ký xin cấp lại giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản theo luật khoáng sản (sửa đổi).
Đến ngày 29/5/2010, Cục ĐCKSVN tiếp tục có CV số 888/ĐCKS-KS yêu cầu Công ty SerpantineThanh Hóa hoàn chỉnh hồ sơ để cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật khoáng sản. Mặc dù đã có sự chỉ đạo của các Bộ, ngành nhưng Công ty Serpantine Thanh Hóa vẫn “chây ì” để kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ đăng ký xin cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản.
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Hữu Minh, PGĐ Công ty CP Serpantine và phân bón Thanh Hóa biện luận: “ Giấy phép hoạt động khai thác của chúng tôi đã được Bộ CNN cấp ngày 17/4/1991 là vô thời hạn. Còn Quyết Định cấp mỏ không căn cứ vào đơn xin khai thác của xí nghiệp Serpantine Thanh Hóa trước đó vì nó chỉ là tờ giấy viết tay, chúng tôi cứ căn cứ vào quyết định của Bộ Công Nghiệp mà làm thôi. Còn việc làm lại giấy phép theo luật khoáng sản bắt đầu từ ngày 1/7 thì chúng tôi đang chuẩn bị làm thủ tục.”
Rõ ràng việc hướng dẫn của các cơ quan chức năng đối với việc cấp lại giấy phép của Công ty này đã được nhắc nhở từ rất lâu, thế nhưng Công ty Serpantine Thanh Hóa cố tình “làm ngơ” trước luật!
Ông Phùng Đình Ảnh,Trưởng Phòng TNKS, Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, về phía Sở cũng chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, trước chỉ đạo của các bộ, ngành thì Sở cũng đã có văn bản đề nghị Công ty làm thủ tục nhưng đến giờ phía Công ty Serpantine Thanh Hóa vẫn chậm chạp. Tuy nhiên, việc luật mới và luật cũ đang còn nhiều bất cập trong việc quy định về giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản.
Bất cập theo ông Ảnh nói là ở chỗ luật khoáng sản sửa đổi ghi rõ: “Cáctổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép”.
Nếu giấy phép khai thác khoáng sản được cấp vô thời hạn như Công ty CP Secpentin Thanh Hóa cho biết , thì công ty này sẽ khai thác khoáng sản đến bao giờ mới hết phép để làm thủ tục cấp lại?
Cũng cần phải nói thêm, năm 2009 và 2011, Công ty Serpantine Thanh Hóa cũng chưa kê khai tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường của 19.877 tấn quặng và số tiền phải truy thu là 185.341.000 triệu đồng. Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra quyết định thu hồi và xử phạt đối với Công ty này.