Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ngày 21/4, dạo một vòng trên các trang bán hàng theo nhóm, chúng tôi nhận thấy rất nhiều loại mỹ phẩm (MP) nổi tiếng được bán với giá “siêu bèo”. Trên trang deal14.vn, son Gucci được rao 69.000đ/cây. Cũng sản phẩm (SP) này, trang kenhmua.com bán chỉ 100.000đ/2 cây. Các nhãn hiệu MP cao cấp như CK, M.A.C, Elf, Chanel, L’Oreal Paris, Etude, Maybelline… bán tại hotdeal.vn, nhommua.com, reddeal.vn, NECdeal.com, nhanhmua.vn, 123do.vn, wowquare.com, deal1.com… đều có giá chỉ vài chục ngàn đồng/SP. Dù quảng cáo giảm giá 50-80%, giá gốc của các SP này trước khi giảm cũng chỉ 100.000đ - 200.000đ.
Thường khi hỏi về nguồn gốc SP, nhân viên bán hàng trên mạng luôn khẳng định đây là hàng chính hãng, xách tay từ nước ngoài về, nhưng nếu gặp khách “sành” về MP, người bán sẽ giải thích: “Đúng là hàng chính hãng không thể có giá này, đây là hàng bình dân sản xuất tại Trung Quốc”. Nhân viên tên Phương của trang deal14.vn khẳng định, son Gucci trang này bán là hàng xách tay từ Singapore “không gây độc hại nhiều”. Anh Thành, nhân viên trang 123do.vn khẳng định, bộ MP Maybelline trang này bán là hàng phi, tuy không phải hàng thật nhưng là hàng Trung Quốc có chất lượng khá.
“Đánh nhanh rút gọn” là sách lược chung của các trang mạng. Một loại MP bán theo nhóm thường có số lượng từ vài trăm tới cả ngàn SP, bán hết trong thời gian 5-10 ngày. Mới đây, chị Ngụy Huyền Trang (366A/22, đường 366A khu B Bùi Minh Trực, P.6, Q.8, TP.HCM) đã làm đơn khiếu nại trang mạng dealsoc.vn đến Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA) vì nghi ngờ bộ MP Maybelline mua trên trang web này là hàng giả. Lập tức, trang mạng này xóa hết các thông tin về việc bán hàng cho gần 2.000 người.
Gần đây, trước sự truy quét hàng giả, hàng nhái của lực lượng quản lý thị trường, nhiều cửa hàng MP giả đã “dọn nhà” lên mạng, nhắm đến khách hàng là nhân viên văn phòng với mức giá thấp hơn hàng thật 50-70%. Các đối tượng này thường thuê một gian hàng ảo trên các sàn giao dịch điện tử như rongbay, chodientu, vatgia, raovat.vn… hoặc lợi dụng nội dung bàn về MP của các diễn đàn có lượng truy cập cao như cucre.vn, raovat.vn, webtretho.com, ttvnol.com, lamchame.com… để chào bán hàng.
Tìm hiểu tại các công ty kinh doanh MP cao cấp như Shiseido, M.A.C, Estee Lauder, Etude House, Lancôme… tại VN, chúng tôi được biết, các nhãn hàng này không hề có chính sách phân phối hàng trên các trang mạng VN...; hàng trên mạng có thể là hàng giả, vì khó có khả năng hàng xách tay lọt qua các cửa khẩu với số lượng lớn như vậy. Ngoài ra, hàng xách tay nếu đem kinh doanh thì đã trở thành hàng lậu, trốn thuế. Phía L’Oreal khẳng định, đầu tháng 4/2012, khi L’Oreal VN làm việc với 100 trang web đang bán những MP công ty này phân phối tại VN, ban quản trị các mạng đều không chứng minh được tính hợp lệ của SP (không có giấy phép lưu hành MP, không có giấy tờ được phép kinh doanh thương hiệu này tại VN…).
Trên mạng tràn ngập các loại mỹ phẩm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng, giá chỉ vài chục ngàn đồng
BÓ TAY?
Để qua mắt người tiêu dùng (NTD), MP giả bán trên mạng còn tinh vi tới mức có cả… tem chống giả, có dán nhãn phụ tiếng Việt. Mua son môi Jellytint của Etude bán trên nhanhmua.vn (giá 45.000đ), chúng tôi được các nhân viên quả quyết đây là hàng xách tay từ Hàn Quốc nhưng lại dán tem chống giả của Etude House VN (?). Khi so sánh loại tem này với tem của MP Etude House chính hãng phân phối tại VN thì thấy hai loại tem khác nhau hoàn toàn. Ông Dương Tiến Đông, bộ phận marketing của Etude House VN cho biết: hàng Etude House chỉ bán tại hệ thống 14 cửa hàng của đơn vị này tại Hà Nội và TP.HCM. MP Etude cũng không có loại nào có giá vài chục ngàn đồng. Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại L’Oreal VN cho biết, toàn bộ MP L’Oreal VN phân phối không hề có tem chống giả, trong khi hàng giả lại...có tem.
Hiện việc quản lý các trang mua bán trên mạng khá phức tạp và lỏng lẻo. Mặt hàng MP thuộc sự kiểm soát của ngành y tế, ngay cả quảng cáo MP cũng do sở y tế địa phương cấp phép. Thông tin đưa lên mạng thuộc quản lý của ngành thông tin truyền thông, việc mở các sàn giao dịch điện tử của doanh nghiệp lại do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cấp phép. Riêng các website rao vặt, bán hàng của tư nhân trong thương mại điện tử được xem là kênh thông tin của NTD với NTD (C2C) nên không có cơ quan nào quản lý. Vì thế, nếu cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, đơn vị quản lý website phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng nhiều website lại “làm lơ” chuyện này. Khách hàng Trần Thị Mỹ Hòa (Cần Thơ) khiếu nại việc mua hai chai nước hoa Gucci và Jean Paul Gaultier giả với giá giảm 80-84% trên trang cucre.vn, nhưng sau nhiều lần liên lạc với Công ty CP tư vấn đầu tư Nhân Nghiệp, đơn vị quản trị trang mạng cucre.vn, chị chỉ nhận được sự im lặng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM), những gian bán hàng giả, hàng lậu của tư nhân trên mạng tồn tại được nhờ tâm lý chuộng hàng xách tay, ham rẻ của NTD. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, NTD nên mua hàng có hóa đơn VAT, có đơn vị phân phối, nhập khẩu uy tín.