Dự thảo Thông tư liên tịch đang được hai Bộ xây dựng và công bố lấy ý kiến nhân dân. Cụ thể, dự thảo yêu cầu các cơ sở, cá nhân không được sử dụng lao động chưa thành niên trong các công việc như: Tiếp xúc với các yếu tố điện từ trường, rung, ồn, nhiệt độ, bụi silic, bụi không chứa silic, bụi bông, bụi amiăng vượt quá quy định cho phép của Bộ Y tế; hoặc các công việc tiếp xúc với hoá chất có khả năng gây biến đổi gen, gây ảnh hưởng xấu đến chuyển hoá tế bào, gây ung thư, gây tác hại sinh sản lâu dài như thiểu năng tinh hoàn, buồng trứng, gây bệnh nghề nghiệp và các tác hại khác.
Tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong các môi trường làm việc độc hại vẫn diễn ra khá phổ biến (Ảnh minh họa)
Dự thảo cũng nghiêm cấm việc sử dụng lao động chưa thành niên trong các công việc trong lòng đất; công việc có tư thế làm việc gò bó, chật hẹp hơn 50% ca lao động, có khi phải quỳ gối, nằm, cúi khom hoặc phải làm việc ở địa hình đồi núi dốc trên 300; làm việc trên giá cao hay dây treo cao hơn 5m so với mặt sàn làm việc; và những công việc mang vác có khối lượng nặng nhọc vượt quá quy định.
Bên cạnh việc quy định các danh mục nghề, công việc trên, dự thảo cũng quy định rõ 86 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc 12 nhóm nghề không được sử dụng lao động chưa thành niên gồm: Cơ khí, luyện kim; dệt may; khai khoáng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng giao thông, kho tàng bến bãi và vận tải; dầu khí; công nghiệp chế biến, chế tạo; viễn thông; hóa chất; dịch vụ; y tế; xây dựng…
Dự thảo cũng nêu quy định yêu cầu cơ sở lao động và cá nhân sử dụng lao động phải rà soát lại các công việc người lao động chưa thành niên đang làm để sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ của họ. Đồng thời phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm. Tiến hành kiểm tra sức khoẻ khi tuyển dụng; kiểm tra sức khoẻ định kỳ.