Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hàng nghìn người phải hít bụi đá

(23:51:55 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Hàng ngày, dân ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị, đang phải hít thở bụi đá độc hại từ các công trường khai thác đá quanh khu vực sinh sống và đối mặt nhiều căn bệnh về hô hấp, da liễu.

Hàng ngày, dân ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị, đang phải hít thở bụi đá độc hại từ các công trường khai thác đá quanh khu vực sinh sống và đối mặt nhiều căn bệnh về hô hấp, da liễu.

 

Bụi mù trời, dân không chịu nổi 

 

Mặc dù đã qua một cơn mưa, cây cối quanh khu vực nơi đây vẫn phủ một màu trắng nhờ do bụi đá gây nên. Bụi từ các công trường khai thác đá, bụi do máy nghiền đá của các công ty, đơn vị đóng trên địa bàn gây nên.  

 

Máy nghiền đá của Công ty Thiên Tân tự do thả bụi vào khu dân cư. Ảnh: Hoàng Táo

 

Chị Nguyễn Thị Gái, nhà ở ngay cạnh bãi đá của Công ty TNHH Minh Hưng, cho biết: “Ngày ngày có hàng chục chuyến xe ra vào chở đá, bụi bay ngút trời, không thể nào chịu nổi. Một ngày, tui phải quét nhà bốn đến năm lần”. Gia đình có bảy người, trong đó có hai cháu nhỏ đang học tiểu học.

 

Ngay cạnh đó, gia đình chị Trần Thị Nguyệt cũng ở trong tình trạng tương tự. Chị Nguyệt cho biết: “Chậu nước vừa múc ra, chưa kịp sử dụng hoặc che đậy lại, chỉ sau năm phút là váng do bụi đá phủ đầy.

 

Nhiều lúc gia đình đang ăn cơm, xe chở đá chạy qua, bụi phủ cả vào mâm cơm”. Gia đình chị có hai con nhỏ, trong đó đứa con gái đầu 13 tuổi đang có biểu hiện của bệnh xoang và da liễu.

 

Ngay sau lưng gia đình chị Gái và chị Nguyệt là bãi tập kết đá của Công ty TNHH Minh Hưng. Mỗi ngày, theo ông Lê Đình Sung, Giám đốc Công ty, trên đoạn đường chừng 100 mét từ Quốc lộ 9 vào bãi đá có khoảng 50 -70 chuyến xe ra vào từ sáng sớm đến tối mịt. Cũng có nghĩa là người dân sống nơi đây phải hít thở bụi đá cả ngày, từ sáng sớm đến tối.

 

Tại một nhánh đường khác dẫn từ Quốc lộ 9 vào Lèn 3, Lèn 4 (khu vực khai thác đá), người dân sống hai bên đường cũng chịu chung số phận. Lèn 3, 4 do Công ty Cổ phần Thiên Tân và Công ty TNHH Nam Hải khai thác. Mỗi lần có một xe chở đá chạy qua, bụi mù trời. Một người dân ở đây cho biết: “Rót ly nước ra chưa kịp uống, xe đá chạy qua là đóng váng ngay”.  

 

Xe đá đi xuyên qua khu dân cư. Ảnh: Hoàng Táo
Một phụ nữ trung niên có con gái 16 tuổi bị viêm xoang cho biết: “Con gái chị có biểu hiện viêm xoang từ ngày gia đình chị chuyển về sống ở thôn Thượng Lâm”. Tuy nhiên, chị lại không cho biết tên vì mình đang làm cho Công ty Cổ phần Thiên Tân.

 

Không chỉ hít thở bụi đá, người dân nơi đây còn đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập khác. Theo quan sát của phóng viên VietNamNet, sáng ngày 21/6, hàng chục chuyến xe chở đá của công ty Thiên Tân từ Lèn 4 ra Quốc lộ 9 mà không có bạt che chắn. Chở như vậy, đá không rơi xuống đường mới là chuyện lạ.

 

Không những thế, trên Quốc lộ 9 đoạn từ km 27 đến km 32, đá, sạn rải dày hai bên lề đường. Có những hòn đá to bằng nắm tay người.

 

Dân sống hai bên đường cho hay có nhiều người đi xe máy bị trượt do cán phải đá. Đá, sạn này là do các xe chở đá rơi vãi, hoặc do các công trường khai thác đá, các khu vực xay đá gần đường làm bắn ra.

 

Còn chuyện nổ mìn làm đá bắn vào khu vực dân sinh sống là chuyện thường ngày ở thôn Thượng Lâm. Gia đình chị Bé, sống ngay cạnh Lèn 1 (do Công ty Cổ phần Thiên Tân khai thác) có năm đến sáu lỗ thủng lỗ chỗ trên mái tồn do đá bắn vào.

 

Giải pháp - Sống chung với bụi đá

 

Ông Trần Văn Quang, thôn trưởng thôn Thượng Lâm, cho biết: “Thôn có 250 hộ dân với hơn 1000 khẩu”. Trong số đó thì có đến gần 2/3 số dân sống bằng nghề làm đá hoặc các nghề liên quan đến khai thác đá. Do vậy, bảo người dân đi kiện các công ty, đơn vị khai thác đá trên địa bàn là điều không dễ.

 

Núi đá đang bị khai thác phủ kín bụi cả một vùng. Ảnh: Hoàng Táo

 

Trên địa bàn thôn Thượng Lâm hiện có bốn núi đá do các công ty Nhà nước và tư nhân khai thác, ngoài ra còn có một núi nhỏ do người dân tự tổ chức khai thác với nhau.

 

Ông Lê Đình Sung, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng, cho biết: “Mỗi ngày, Công ty cử người phun nước năm đến sáu lần”. Nhưng theo quan sát của người dân nơi đây, mỗi ngày công ty chỉ phun nước hai đến ba lần. Hơn nữa, với lưu lượng xe 50  đến 70 chuyến một ngày thì chừng đó lần phun nước chỉ như muối bỏ biển.

 

Còn tại bãi nghiền đá của Công ty Cổ phần Thiên Tân, hầu như không có một biện pháp nào được thực thi để ngăn chặn bụi đá. Bụi từ các máy nghiền đá thoải mái theo gió bay vào khu dân cư.

 

Mỗi khi xe chạy là bụi lại bốc lên mù mịt. Ảnh: Hoàng Táo

 Nguy hại từ bụi đá là điều thấy rõ, nhưng trách nhiệm của các công ty trên với sức khỏe của nhân dânnơi đây đang bị làm ngơ cho qua.

 

Ông Giám đốc Công ty Minh Hưng cho hay sẽ có trách nhiệm với người dân nếu họ chứng minh được bệnh tật là do công ty gây ra. Nhưng, làm thế nào để người dân chứng minh? Vả lại, trên địa bàn có đến năm doanh nghiệp khai thác đá, biết lỗi thuộc về ai để mà đổ!

 

Ông Trần văn Quang cho biết thêm: “Thôn đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên huyện, nhưng các công ty, đơn vị trên do tỉnh trực tiếp cấp phép khai thác nên huyện bất lực!”.

 

Ông đưa ra giải pháp là “Các công ty đầu tư xây dựng các giàn sương phun hơi nước suốt ngày và trông thêm cây xanh”.  

 

Đây được xem là giải pháp có vẻ khả thi nhất, góp phần giảm thiểu bụi đá, bụi đường trong tình hình hiện tại. Tuy nhiên, không biết những điều này có đến được với tai của các doanh nghiệp khai thác đá và chính quyền địa phương nơi đây hay không (?!).  

 

Còn đối với người dân, họ vẫn phải tiếp tục hít thở bụi đá độc hại ngày qua ngày. Và, vì các núi đá không thể chuyển đi nơi khác, nhu cầu đá xây dựng cũng ngày một nhiều, nên giải pháp được đưa ra là: “Sống chung với bụi đá”!

 

(Theo VietNamNet)