Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công nhân bauxite phải sống vật vờ chờ việc Tin mới nhất

(20:23:39 PM 23/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- 301 công nhân bauxite được đào tạo để phục vụ Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông đang phải sống vật vờ chờ việc. Ngoài ra, 262 công nhân chuẩn bị tốt nghiệp có thể sẽ cùng cảnh ngộ!

Năm 2007, 301 thanh niên Đắk Nông được tuyển dụng để đào tạo thành công nhân kỹ thuật phục vụ Nhà máy Alumin Nhân Cơ, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Nhiều người trong số này là con em các hộ dân trong diện phải di dời để dành đất cho dự án. Sau gần 2 năm được đào tạo tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Phương Nam - Đắk Nông và Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm - TPHCM, tháng 10-2009, số công nhân này tốt nghiệp ra trường và… thất nghiệp đến nay vì nhà máy chưa hoàn thành.

Công nhân được đào tạo phục vụ Nhà máy Alumin Nhân Cơ phản ánh sự việc

 

Bôn ba khắp nơi

 

Trước khi đi học, các học viên được cam kết rằng ra trường sẽ làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ ít nhất trong vòng 10 năm. Sau đó, nếu không có nhu cầu làm việc nữa họ sẽ được trả lại bằng cấp. Trong quá trình học, học viên không đóng học phí nhưng phải chịu chi phí đi lại, ăn ở. Cam kết là vậy nhưng sau khi ra trường, nhiều học viên phải bôn ba lên Đắk Lắk, xuống TPHCM, ra cả Đà Nẵng, Hà Nội… để tìm việc làm.

 

Anh Hoàng Văn Chiến, ở thị xã Gia Nghĩa - Đắk Nông, cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi nghe thông báo tuyển đi học mà không phải đóng học phí nên tôi liền đăng ký. Tôi phải vay mượn 30 triệu đồng để chi phí ăn ở, đi lại. Hơn một năm qua, do không có việc làm, tôi phải đến Đắk Lắk tìm việc, hiện số nợ 30 triệu đồng chưa trả được”.

 

May mắn hơn anh Chiến, anh Nguyễn Tiến Dũng là 1 trong số 49 người đang được nhà máy trợ cấp 1,1 triệu đồng/tháng. Tháng 5-2011, anh Dũng được tuyển đi tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng. “Tháng đầu tiên, tôi được trả hơn 2 triệu đồng, đủ chi phí sinh hoạt. Bắt đầu từ tháng thứ hai trở đi, tôi chỉ được trả hơn 1 triệu đồng/tháng, không đủ sống, gia đình phải gửi thêm tiền. Đến tháng 9-2011, hết việc làm, tôi phải về lại Đắk Nông, nhận hỗ trợ 1,1 triệu đồng/tháng” – anh Dũng rầu rĩ.

 

“Trớt quớt” rồi!

 

Theo nhiều công nhân, họ sẵn sàng chờ đợi nhưng phía Nhà máy Alumin Nhân Cơ phải hứa chính thức khi nào có việc làm, đồng thời phải hỗ trợ chi phí trong thời gian chờ việc. Số công nhân này cho biết cuối năm 2011, họ được nhà máy ký biên bản thỏa thuận ngày 16-4-2012 sẽ đi làm nhưng đến ngày 10-4, nhà máy lại thông báo chưa có việc.

 

Anh Lê Văn Dũng, trú huyện Krông Nô - Đắk Nông, cho biết cuối năm 2011, anh xuống TPHCM tìm được việc làm với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Công việc đang thuận lợi thì anh nhận được thông báo của nhà máy về ký bản cam kết tháng 4-2012 đi làm. “Bỏ ngang công việc ở TPHCM, tôi về lại Đắk Nông. Sau nhiều tháng chờ đợi, tôi nhận được thông báo chưa có việc nên đành quay lại TPHCM, xin vào làm chỗ cũ nhưng không được chấp nhận. Hiện tôi phải đi bán kính dạo kiếm sống qua ngày” – anh Dũng bức xúc.

 

Cũng như anh Dũng, anh Nguyễn Văn Chất ra Hà Nội làm việc cho một công ty, trừ chi phí ăn uống còn dư khoảng 5 triệu đồng/tháng gửi về cho gia đình. Nghe nhà máy gọi về đi làm, anh Chất cũng xin nghỉ việc ở Hà Nội. “Nay thì “trớt quớt” rồi, về nhà phải sống bám gia đình” - anh Chất tức tối.

 

Ngoài số công nhân nói trên đang thất nghiệp, hiện còn 262 học viên do Nhà máy Alumin Nhân Cơ tuyển đi học sẽ tốt nghiệp trong tháng 8-2012. Theo ban Quản lý Nhà máy Alumin Nhân Cơ, chắc chắn số công nhân này cũng phải… chờ việc!
 

Chưa biết khi nào có việc!

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Ban Quản lý Nhà máy Alumin Nhân Cơ thừa nhận: Do nhà máy chưa hoàn thành nên hơn 300 công nhân kỹ thuật đang phải sống hết sức khó khăn. Theo ban quản lý nhà máy, nguyên nhân là do dự án phải tạm dừng một thời gian để đánh giá lại tác động môi trường. Ban quản lý không có quyền quyết định bố trí lao động nhưng đang soạn thảo văn bản kiến nghị TKV có biện pháp hỗ trợ cho công nhân.

 

“Chúng tôi không thể hứa mốc thời gian cụ thể khi nào số công nhân kỹ thuật này được đi làm” - đại diện Ban quản lý Nhà máy Alumin Nhân Cơ cho biết.

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN (NLĐ)