Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Chính sách và các văn bản pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam tuy được ban hành tương đối đồng bộ, song trong quá trình thi hành còn nhiều bất cập, dẫn đến ngành công nghiệp khai khoáng hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án Than Đồng bằng sông Hồng-Vinacomin, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành pháp luật, cần phải có các định chế và các mô hình tổ chức, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản.
Tiết kiệm là quốc sách
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho rằng, Việt Nam thuộc loại rất nghèo về tài nguyên khoáng sản, nhưng lại rất hoang phí về sử dụng tài nguyên khoáng sản và sử dụng năng lượng. Minh chứng là trữ lượng than của thế giới đạt bình quân khoảng 120 tấn/người, trong khi trữ lượng than của Việt Nam chỉ đạt 25 tấn/người. Để làm ra 1 đô la GDP thế giới cần 0,2-0,5 KWh điện, còn Việt Nam cần tới gần 1 KWh điện. Thế giới dùng 1kg than để phát ra 3 KWh điện, trong khi Việt Nam chỉ phát được 2 KWh điện. Thế giới dùng đá trắng để làm ra mỹ phẩm, còn Việt Nam dùng đá trắng khai thác ở Nghệ An làm đá lót đường...
Ở Việt Nam , nguy cơ về an ninh năng lượng, nước ngọt và môi trường đã và đang hiện hữu. Trong tương lai, chúng ta khó có thể nhập khẩu được năng lượng và nước ngọt, nên sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế. Đã có nhiều đối tác nước ngoài đề xuất các dự án đầu tư lớn như lọc dầu, hóa chất, phân bón, luyện thép tại Quảng Ninh, nhưng không thể triển khai được vì trên địa bàn thiếu nước ngọt. Hiện các dự án nhiệt điện ở tỉnh này cũng phải dùng nước mặn để làm mát.
Do đó, ngoài việc tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách, Việt Nam nên từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên tài nguyên khoáng sản. Do đối với một nền kinh tế quản lý yếu kém, tài nguyên khoáng sản là “vật tế thần” cho tăng trưởng nóng và tăng trưởng hỏng; đồng thời cũng phải cấm xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến sâu dưới mọi hình thức, bởi việc cho phép xuất khẩu là nguyên nhân chính của tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi lâu nay, dẫn đến làm nghèo kiệt tài nguyên và tàn phá môi trường.
Một định hướng quản lý quan trọng khác nữa là chỉ khai thác khoáng sản khi có nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nguyên do khoáng sản của Việt Nam chỉ mang tính chất “hàng xén”- mỗi loại có một ít, lại phân tán, nhỏ lẻ. Hơn 60 loại khoáng sản đã được phát hiện ở nước ta phân bố trên gần 5.000 điểm mỏ khác nhau. Trong khi giá bán các loại khoáng sản có xu thế gia tăng vì “cung” từ lòng đất ngày càng giảm còn “cầu” sử dụng liên tục tăng, nên mọi khoáng sản chưa khai thác đều là “tích sản”. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng quy hoạch tài nguyên khoáng sản, coi đó là đầu vào của các quy hoạch khác như điện, thép, xi măng... và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đúng quy hoạch.
Hoàn thiện công tác quản lý
Theo đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn: Để giúp việc cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, ngoài Hội đồng tư vấn quốc gia về đánh giá trữ lượng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập một Hội đồng tư vấn quốc gia về khai thác khoáng sản do Bộ Công Thương chủ trì.
Theo đó, để phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các bộ luật khác, Bộ Công Thương nên xem xét tổ chức lại các cơ quan tư vấn lập quy hoạch, dự án, thiết kế, giám sát về khoáng sản. Các cơ quan tư vấn này phải độc lập với các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi’ thủ tiêu tính khách quan và tính cạnh tranh của công tác tư vấn, dẫn đến vi phạm pháp luật. Bộ Công Thương cũng cần có văn bản hướng dẫn hoàn thiện mô hình tổ chức, mô hình quản lý của doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác - chế biến tài nguyên khoáng sản theo cơ chế thị trường; tổ chức đấu thầu khai thác thay cho mô hình “giao thầu’ hiện nay.
Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện tiếp các công cụ quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản theo hướng: Thuế suất được xác định trên cơ sở giá trị và giá trị sử dụng của từng loại khoáng sản. Sớm áp dụng thuế đánh vào “tổn thất tài nguyên” thay cho thuế tài nguyên đánh vào sản lượng khai thác như hiện nay; đưa trữ lượng khoáng sản vào bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nên tiến hành tái cơ cấu ngành khai khoáng theo mô hình liên kết dọc. Thực tế các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về dầu mỏ, khí đốt, đồng, bô xít-nhôm, sắt, than... điển hình cho việc kinh doanh đa ngành có hiệu quả, đều theo nguyên tắc kéo dài chuỗi sản phẩm chính của mình, chứ không phải “nhảy” ngang sang kinh doanh sản phẩm của lĩnh vực khác như ở Việt Nam.
Đồng thời, phải xác lập trách nhiệm phát triển bền vững của người đứng đầu. Như vậy, cần có cơ chế đánh giá, trả lương, khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm giám đốc theo tiêu chí “phát triển bền vững”, thay cho tiêu chí hoàn thành kế hoạch hay tăng trưởng sản lượng như lâu nay, đi đôi với thực hiện quy chế bắt buộc minh bạch về tài nguyên khoáng sản. Khai thác khoáng sản có ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến người dân, nên người dân có quyền được kiểm tra giám sát.